Người tiên phong
Đã qua hơn 2 năm vận hành thu phí tự động không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, bà Bùi Thị Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc ô tô Hà Nội – Hải Phòng vẫn chưa quên được những ngày đầu tiên phong thí điểm cao tốc chỉ có thu phí không dừng (1/6/2022).
“Nhận được chỉ đạo của Bộ GTVT chúng tôi lo lắm, với tỷ lệ phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ rất thấp vào thời điểm đó, việc cao tốc chỉ có thu phí không dừng làm nhiều người hoài nghi về khả năng thành công.
Nhưng rồi, nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI), chuẩn bị kỹ càng các phương án tổ chức giao thông, kịch bản xử lý các tình huống, các sự cố và cùng đó phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp dịch vụ, các đơn vị liên quan đã giúp ngày đầu tiên chỉ thu phí tự động không dừng khá thuận lợi, không xảy ra sự cố nào”, bà Quỳnh chia sẻ.
Sau 1 tháng thí điểm, thành công hơn cả mong đợi, số lượng xe sử dụng dịch vụ ETC trên tuyến đạt hơn 46.400 một ngày, bằng 107% lưu lượng trung bình 22 ngày trước khi thực hiện thí điểm.
“Trước khi thí điểm chỉ có thu phí không dừng, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có 62 làn thu phí. Sau thí điểm, số làn được rút xuống còn 32 làn nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu. Phương tiện lưu thông nhanh hơn, giảm được nhân công và chi phí. Đến nay, tỷ lệ lỗi so với ngày đầu thí điểm cũng giảm trông thấy, chỉ chiếm 0,01% tổng số giao dịch mỗi ngày”, bà Quỳnh chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 với các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Dự án thu phí tự động không dừng bắt đầu triển khai từ năm 2015 nhưng gặp rất nhiều vướng mắc, tiến độ nhiều lần trễ hẹn, có thời điểm gần như bế tắc.
Việc lắp đặt, vận hành ETC toàn quốc không ít lần “lỡ hẹn”, các mục tiêu Chính phủ đặt ra như hết năm 2019 và năm 2020 toàn bộ các trạm thu phí đủ điều kiện phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng đều không thực hiện được.
Sau gần 7 năm triển khai thực hiện dự án, số lượng phương tiện dán thẻ chỉ đạt khoảng 3 triệu trong tổng số 5 triệu xe. Trong số này, tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ cũng chỉ đạt khoảng 40%.
Nguyên nhân chậm đi vào cuộc sống được đánh giá là do đây là hình thức thu phí mới, vừa làm vừa phải tìm hiểu và điều chỉnh hành lang pháp lý. Trong khi đó, thời gian đầu, các nhà đầu tư BOT lại không hợp tác. Phương án tài chính của dự án không khả thi khiến nhà thầu cung cấp dịch vụ gặp nhiều khó khăn. Quan trọng hơn, bản thân người dùng chưa mặn mà.
Với thời gian triển khai kéo dài qua nhiều năm như vậy, ở thời điểm đó, nhiều người đã tỏ vẻ hoài nghi về sự thành công của khiến hình thức thu phí văn minh này.
Mọi “nút thắt” chỉ được tháo gỡ khi tại cuộc họp của Chính phủ vào tháng 5/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu “có giải pháp đột phá” đồng thời chỉ đạo “đến ngày 1/8/2022, tất cả tuyến cao tốc đang thu phí sẽ phải triển khai thu phí không dừng hoàn toàn”.
Để có cơ sở thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được lựa chọn thí điểm thu phí tự động không dừng hoàn toàn.
Từ cú hích kết quả thí điểm thành công trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, bắt buộc các tuyến cao tốc chỉ có thu phí tự động không dừng được nhân rộng ra các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc trong cả nước từ ngày 1/8/2022.
Thành công đó cũng đã tạo sự chuyển biến rất lớn trong việc triển khai hệ thống ETC. Chỉ trong thời gian rất ngắn, tưởng chừng bất khả thi nhưng các địa phương, nhà đầu tư dồn dập ngày đêm thi công, dồn triển khai nguồn lực lắp đặt xong hệ thống thu phí ETC trên cao tốc.
Đến nay, trải qua hơn 2 năm đồng loạt thực hiện thu phí tự động không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc, những lợi ích đã được thực tế chứng minh.
Các dịp lễ Tết, chủ xe không còn phải chịu cảnh ùn tắc trước trạm thu phí, tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, còn các đơn vị quản lý thì tiết kiệm được thời gian quản lý. Đặc biệt, tính minh bạch trong hoạt động thu phí là một trong những đặc điểm ưu việt nhất khi nhắc tới loại hình này.
Nhờ những người “tiên phong” như Tổng Công ty phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) đã giúp hoạt động thu phí ETC thực sự đi vào cuộc sống, trở thành “một phần tất yếu” khi tham gia giao thông.
Hệ thu phí điện tử không dừng đã được triển khai có hiệu quả tại các trạm thu phí trong cả nước. Đã có 96% trong tổng số lượng phương tiện trên cả nước dán thẻ, mở tài khoản thu phí tham gia dịch vụ. Từ khi triển khai đến nay đã có trên 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Tiền đề thanh toán không tiền mặt trong giao thông
Thành công của chỉ có thu phí không dùng tiền mặt đã giúp hoàn thành giai đoạn I của việc chuyển đổi từ thu phí thủ công sang thu phí không dừng và chuẩn bị cho giai đoạn II và giai đoạn III là thu phí mở – các trạm thu phí không còn barrier, chỉ duy trì dải phân cách các làn, các phương tiện lưu thông tự do theo làn qua trạm thu phí.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận, đến thời điểm này, thành công của thu phí không dừng là bước chuyển quan trọng xây dựng hạ tầng giao thông thông minh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Đó không chỉ là câu chuyện giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm được ùn tắc trầm trọng ở trạm thu phí, mà nó còn khiến việc thu phí được minh bạch, tạo niềm tin cho người dân; giảm thói quen sử dụng tiền mặt.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả của thu phí ETC và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông, nhiều doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí ETC như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định…
Việc mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí ETC sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hiệu quả đầu tư của các dự án thu phí ETC.
Những lợi ích này đã được cụ thể hóa tại Luật Đường bộ 2024 và Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ được Chính phủ ban hành và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024. Trong đó, nghị định cho phép mở rộng ra các dịch vụ thanh toán khác như sân bay, bến cảng, bãi đỗ xe… trên nền tảng hệ thống thu phí ETC hiện nay. Cùng đó, tách tài khoản thu phí thành tài khoản giao thông được liên kết với phương tiện thanh toán (ví điện tử, tài khoản ngân hàng).
Chính sách này sẽ đảm bảo hài hòa quyền lợi, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử; tạo sự linh hoạt cho chủ phương tiện trong kết nối với phương tiện thanh toán, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu phí ETC.
Kết quả tích cực mà thu phí ETC mang lại nói trên đã vượt quá sự kỳ vọng của chính lãnh đạo ngành GTVT cũng như các nhà đầu tư BOT và người tham gia giao thông.
Trước đây từ tài khoản thu phí chỉ chi trả cho một mục đích duy nhất là thu phí sử dụng đường bộ, thì từ khi chuyển đổi sang tài khoản giao thông, kết nối với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thì người dân sẽ được sử dụng tài khoản giao thông để chi trả cho đa mục đích, ví dụ như là thu phí đường bộ, rồi thu phí bãi đỗ sân bay, thu phí bãi đỗ ở các khu đô thị. Trong tương lai thì cũng có thể là có thể thanh toán luôn lệ phí đăng kiểm…
Hơn thế nữa, tài khoản giao thông sẽ vượt ra khỏi chức năng thanh toán đơn thuần, khi có thể trả phí gửi xe không dừng, không tiền mặt, minh bạch với hóa đơn truyền thẳng đến cơ quan thuế. Chính vì vậy mà hệ sinh thái của tài khoản giao thông đang được khách hàng đánh giá ngày càng cao, giúp khách hàng tận hưởng chuyến đi trọn vẹn chỉ trên một nền tảng.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source