Những khối cát biển đầu tiên về công trường cao tốc Hậu Giang – Cà Mau

Useful
23/07/24
Lượt xem : 65 view
base64 1721209241239497518185
Rate this post

Từ ngày 29/6, mỏ cát biển gần 100ha ở Sóc Trăng chính thức được khai thác phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025, đoạnCần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau. Đơn vị thực hiện khai thác là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C.

Những khối cát biển đầu tiên về công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau- Ảnh 1.

Cát biển đưa về tập kết đoạn thuộc gói thầu xây lắp XL02, cao tốc thành phần Hậu Giang – Cà Mau đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Hai ngày hai đêm đưa cát biển về công trường

Ghi nhận của PV, khu vực mỏ cát cát biển ở Tiểu khu B1.1 và B1.2 nằm cách đất liền khoảng 40km, thuộc vùng biển tỉnh Sóc Trăng.

Đây là mỏ cát biển đầu tiên được đưa vào khai thác để phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau(đoạn từ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Tại công trường gói thầu XL02 (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), PV ghi nhận nhà thầu huy động hàng chục phương tiện như sà lan, tàu hút, trong khi các công nhân tất bật vận hành máy móc cỡ lớn. Gói thầu này dài 9km, cần khoảng hai triệu m3 cát đắp nền. Đến nay cát biển đã được đưa về hai đợt với khoảng 4.300m3.

Những khối cát biển đầu tiên về công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau- Ảnh 2.

Đơn vị thi công huy động 5 đội bơm cát với khoảng 60 người vừa vận hành máy bơm, vừa khuân chuyển ống để đưa cát biển đến công trường.

Ông Kiều Quốc Thanh là tài công chạy sà lan chở hơn 600m3 cát biển đầu tiên từ cửa biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) về cao tốc đoạn cuối tỉnh Cà Mau cho biết, từ cảng Trần Đề về đây khoảng hai ngày, hai đêm, sà lan di chuyển với vận tốc từ 10 – 12km/h.

“Lúc đợi ngoài biển chờ sang mạn thì rất vất vả do nước chảy mạnh, sóng lớn. Khi lấy cát xong, sà lan đậu lại để chờ cấp giấy vận chuyển về, thời gian khoảng hơn một tuần”, ông Thanh nói.

Ông cho hay, ở ngoài biển có tàu rùa hút cát lên đưa vào cảng Trần Đề rồi bơm qua sà lan, đủ số lượng thì ngưng. Với hành trình hơn 100km, sà lan tốn hơn 800 lít dầu.

“Sau khi sang mạn, sà lan theo đường sông Hậu về Cần Thơ rồi qua Vị Thanh, xuôi dòng sông Chắc Băng qua kênh xáng Huyên Sử là đến ngay công trường”, ông Thanh chia sẻ về hành trình của mình.

Những khối cát biển đầu tiên về công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau- Ảnh 3.

Giám sát thi công cẩn thận kiểm tra mẫu nước mặn từ dưới kênh xáng Huyện Sử và ao nuôi của người dân dọc hai bên cao tốc trước khi bơm cát từ sà lan lên công trình.

Niềm vui nhân đôi

Anh Phạm Văn Linh, giám sát thi công của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, thuộc gói thầu xây lắp XL02 chia sẻ, khi cát biển được hút lên sẽ có nước ngọt bơm vào mồi để pha loãng độ mặn.

Video: Tài công kể lại hải trình đưa hơn 600m3 cát biển đầu tiên về cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, điểm cuối Cà Mau.

Cát biển khi về đến công trường, độ mặn thực tế đo được dao động khoảng 10 – 15‰, gần với độ mặn trong ao nuôi của người dân hai bên dọc tuyến. Hiện tại, hai đợt cát biển về đã san lấp nền tuyến chính được khoảng 200m.

“Ngay khi cát biển về công trường, không những nhà thầu mà các đội thi công đều rất phấn khởi. Niềm vui như được nhân đôi, anh em vừa có việc để làm, vừa giải tỏa được cơn khát cát đắp nền thời gian qua”, anh Linh nói.

Cũng theo anh Linh, khi có nguồn cát về, đơn vị thi công chia “3 ca, 4 kíp” đẩy nhanh tiến độ gấp ba lần so với thời điểm thiếu cát để bù lại khối lượng bị thiếu.

“Khi sà lan cát về, mọi người làm việc liên tục đến khoảng 22h đêm, đến 5h sáng hôm tiếp tục vào ca bơm tiếp.

Cứ như thế, hơn 4.000m3 cát biển đắp nền đầu tiên được đưa thẳng vào công trường, anh em làm với tinh thần quyết tâm, không biết mệt mỏi”, anh Linh chia sẻ.

Những khối cát biển đầu tiên về công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau- Ảnh 4.

Một đoạn cát biển được bơm lên cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) dài khoảng 200m.

Để đẩy nhanh tiến độ bơm cát, đơn vị thi công triển khai song song hai đường ống bơm cát (vị trí bơm gần nhất khoảng 300m, dài nhất khoảng 4 – 5km), huy động 5 mũi bơm, mỗi mũi từ 10 – 12 nhân công, vừa bơm vừa khuân chuyển ống dẫn cát. Công suất trung bình một ngày có thể bơm từ 7.000 – 10.000m3 lên công trường.

“Cố gắng đến tháng 12/2024 hoàn thành gia tải, trong năm 2025 thông xe. Với công suất bơm 10.000m3 cát/ngày, tương đương khoảng 16-20 sà lan, để xoay vòng khoảng 3 – 4 ngày có một chuyến về, nhà thầu huy động từ 70 – 80 sà lan để trung chuyển”, anh Linh cho biết thêm.

Ông Đỗ Minh Châu, đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C cho biết, đơn vị sử dụng phương pháp khai thác bằng cách cho các vòi hút của tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển.

Với 6 triệu m3 cát, đơn vị sẽ khai thác trong 6 tháng. Công suất đăng ký từ 35.000 – 50.000m3/ngày, thời gian từ 7h – 17h hằng ngày, không khai thác vào ban đêm.

Sau khi hút lên, cát biển được đổ lên sà lan và vận chuyển vào bờ theo luồng Định An. Tiếp đó, cát được vận chuyển bằng sà lan tải trọng 2.000 – 3.000m3 về khu vực tập kết để đưa đến công trường.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110km, các tuyến nối khoảng 25km, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng. Tổng nhu cầu cát cho dự án khoảng 18,1 triệu m3; trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.

Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, hiện nay, toàn dự án đã huy động 2.800 kỹ sư, công nhân triển khai 237 mũi thi công thi công đồng bộ 110km tuyến chính, 117 cầu và 11 nút giao. Đến nay, tiến độ đạt hơn 34% so với kế hoạch, chậm 14%.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source