Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được đánh giá là chủ trương có tính đột phá, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, huy động các lực lượng xã hội tham gia chia sẻ, giảm tải gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công cho giáo dục.
Đến nay, với sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục nói chung và các nhà xuất bản nói riêng, giá thành các cuốn sách giáo khoa ngày càng được điều chỉnh xuống mức thấp nhất, nhằm đảm bảo mọi học sinh đều có thể tiếp cận, đủ sách tới trường.
Từ năm học 2024-2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiếp tục thực hiện điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa.
Đối các bộ sách tái bản, nhà xuất bản rà soát các khoản mục chi phí liên quan, đặc biệt là chi phí tổ chức bản thảo, các chi phí khâu lưu thông để điều chỉnh giá.
Theo đó, giá bìa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá bìa bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.
Đối với giá sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của sách tái bản.
Trước sự điều chỉnh về giá, trao đổi với Người Đưa Tin, Đại biểu Hồ Thị Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đánh giá chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa triển khai với mục đích tạo tính cạnh tranh, chia sẻ về giá thành.
“Việc giảm giá thành đến thời điểm này, là bước tiến của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Đây là cơ hội để giúp các em học sinh được học sách mới, khích lệ học tập trong bối cảnh đất nước nhiều khó khăn. Thể hiện vai trò, trách nhiệm, tính nhân văn của nhà xuất bản đối với sự nghiệp giáo dục”, bà Minh chia sẻ.
Trước đó, có nhiều băn khoăn, luồng ý kiến về việc sách giáo khoa mới đắt hơn so với trước kia, nhưng sau nhiều lần điều chỉnh, cùng với chất lượng mỗi cuốn sách chắc phụ huynh sẽ đồng tình và phấn khởi với những thay đổi của ngành. Hoạt động này cần được nghiên cứu, tính toán nhân rộng đến tất cả các bộ sách giáo khoa khác, từ đó đảm bảo an sinh cho người dân.
Bên cạnh đó, Đại biểu Hồ Thị Minh cũng nhận thấy, các bộ sách giáo khoa hiện nay đã được triển khai ổn định về chất lượng, trải rộng ở tất cả các lớp học. Việc làm tiếp theo nên tiếp tục tính toán kiểm soát giá thành sách giáo khoa, không nên tốn thêm thời gian, ngân sách nghiên cứu thêm những bộ sách mới.
“Các chi phí biên soạn, kiểm định,thử nghiệm,…sẽ được bù đắp dần và không còn nữa, đây sẽ là cơ hội để các nhà xuất bản tiếp tục giảm giá trong thời gian tới. Phải làm sao để trước thềm năm học mới, giá sách giáo khoa không còn là nỗi lo, rào cản của nhiều bậc phụ huynh và học sinh”, đại biểu kiến nghị.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhận thấy Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam điều chỉnh giá là cần thiết, bởi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu đối với bất kỳ học sinh nào, điều này tác động rất lớn tới xã hội.
Mặt khác, khi xã hội hóa sách giáo khoa, giá sách xây dựng theo thị trường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nên hiểu rõ trách nhiệm xã hội của mình để tính toán các chi phí phát hành, lưu thông, sản xuất, sao cho hài hòa lợi ích, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay.
Bà An bày tỏ: “Về quản lý, có sự kiểm soát giá sách giáo khoa là cần thiết, để mặt hàng này luôn có tính ổn định, tạo sự an sinh, minh bạch, hạn chế tối đa tăng đột biến giá sách giáo khoa”.
Căn cứ Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Luật Giá 2023, sách giáo khoa các cấp là loại hàng hóa do Nhà nước định giá. Thẩm quyền định giá sách giáo khoa thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với hình thức định giá là định giá tối đa.
Theo đó, tổ chức, cá nhân không được định giá, mua, bán sách giáo khoa các cấp cao hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Bộ Công an thông tin về phương án xây dựng đề thi đánh giá năng lực năm 2025
- Nghiên cứu sửa chữa, nâng cấp toàn diện tuyến QL51
- Tư vấn: Diện tích phòng ngủ chuẩn là bao nhiêu m2
- 37 Món quà ý nghĩa 20/11 không cao sang nhưng cực hữu ích tặng thầy cô
- Tuyển tập mẫu nail cẩn xà cừ đẹp lộng lẫy mà các chị em nên thử qua một lần