Quốc gia không có ‘mùa sa thải’

Useful
23/07/24
Lượt xem : 52 view
1x 1nin
Rate this post

Giữa bối cảnh ngành công nghiệp game online toàn cầu liên tục mất đi nhân tài, có một quốc gia vẫn không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào. Đó là Nhật Bản.

1x 1nin 1

Thông thường, mùa sa thải nhân sự sẽ đến vào những tháng cuối năm, để các công ty cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận ngay trước khi năm dương lịch kết thúc. Nhưng đối với những người làm trong ngành game, mùa nghỉ việc chưa bao giờ kết thúc trong suốt 3 năm qua.

Năm 2022, số lượng nhân viên bị cắt giảm trên toàn cầu ước tính là 8.500 người, sau đó tăng lên 10.500 vào năm ngoái. Theo dữ liệu mới nhất, tổng số nhân viên ngành game bị sa thải trong 6 tháng đầu năm 2024 là 10.800.

Giữa bối cảnh ngành công nghiệp game online toàn cầu liên tục mất đi nhân tài, Nhật Bản là quốc gia duy nhất đứng ngoài cơn bão. Thậm chí trong những năm gần đây, nhiều công ty Nhật cam kết sẽ giúp đỡ, bảo vệ nhân viên, thay vì sa thải.

Đơn cử như Sega tăng lương 33%, Koei Tecmo tăng lương 23%, trong khi nhân viên tại Atlus được tăng 15% thu nhập và Nintendo tăng 10% lương cho nhân viên của mình. Gần đây nhất, Capcom đã nâng mức lương cho sinh viên tốt nghiệp lên 27,7%, gọi đây là “khoản đầu tư vào những mầm non tương lai của công ty”.

Thiên đường cho người làm game?

Đề cập đến tình trạng sa thải hàng loạt đang diễn ra toàn cầu, chủ tịch FromSoftware Hidetaka Miyazaki từng khẳng định điều đó sẽ không thể xảy ra, miễn là công ty này thuộc trách nhiệm của ông. Nhưng bên cạnh vai trò của các nhà lãnh đạo như Miyazaki, chính các quy định lao động chặt chẽ của Nhật Bản mới là cơ sở chính bảo vệ người lao động.

Peter Matanle, chuyên gia về việc làm của Nhật Bản tại Đại học Sheffield ở Anh, cho biết: “Luật lao động của Nhật Bản chắc chắn sẽ bảo vệ nhân viên để hợp đồng luôn ổn định và kéo dài liên tục”.

Quoc gia khong sa thai anh 1
Nhân viên Nhật Bản được pháp luật bảo vệ. Ảnh: Thomas Shagin.

Trước đó, tòa án Nhật Bản từng nhiều lần đưa ra phán quyết có lợi cho người lao động và các công đoàn. Một trong những điều khoản quan trọng của luật lao động quốc gia này là “người sử dụng lao động không thể sa thải nhân viên”. Matanle cho hay họ chỉ có thể làm như vậy “khi người sử dụng lao động có thể chứng minh rằng tổ chức của họ sẽ phá sản”.

Do đó, nếu một công ty Nhật Bản bị phát hiện vi phạm luật, cắt giảm lực lượng chỉ để có được số liệu đẹp trong báo cáo tài chính, những nhân viên đã bị sa thải có thể sẽ được phục chức.

Nếu việc các công ty Nhật Bản không sa thải nhân viên có thể được giải thích theo luật, làn sóng cắt giảm nhân sự kéo dài ở Mỹ cũng có thể được giải thích theo cách tương tự.

Theo The Verge, Mỹ vận hành theo hệ thống làm việc “theo ý muốn”. Lý thuyết này lập luận rằng nếu người lao động có “quyền nghỉ việc” tùy ý, người sử dụng lao động cũng phải có “quyền sa thải”. Học thuyết này đã được đưa vào Tòa án Tối cao vào đầu những năm 1900, quy định ông chủ có quyền sa thải nhân viên mà không cần lý do.

Ngoài luật lao động, Matanle còn nhận thấy sự khác biệt giữa các CEO Nhật Bản và phương Tây về “trách nhiệm đạo đức”. Ông cho rằng các tổ chức Nhật Bản thường được điều hành với tầm nhìn dài hạn hơn và ít phải làm hài lòng các cổ đông.

Các CEO ở đây thường được tuyển dụng theo “hệ thống việc làm dài hạn”, là những sinh viên mới tốt nghiệp ở độ tuổi 20, sau đó mới được thăng chức dần dần. Trong khi đó, ở Mỹ, giám đốc điều hành thường là người thuê ngoài. Đây là sản phẩm của một nền văn hóa xem việc chuyển việc vài năm một lần là điều bình thường.

Cái giá phải trả để được bảo đảm việc làm ở Nhật Bản

Nhưng ngay cả khi mùa sa thải không bao giờ đến ở Nhật Bản, nơi này vẫn không phải thiên đường dành cho người làm game. Khi Liam Edwards bắt đầu làm việc tại Q-Games, studio do lập trình viên Dylan Cuthbert của Star Fox thành lập, anh đã phải trải qua một môi trường làm việc khắc nghiệt. Tại đây, anh phải làm việc “12 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần”.

“Tôi đã nghe rất nhiều nhân viên tại Q-Games phàn nàn về việc làm thêm giờ, số giờ làm việc cơ bản dài và kỳ vọng công việc quá cao. Nhưng nhân viên người Nhật lại chưa bao giờ than vãn về những điều này, vì họ đã quen với điều đó”, anh kể.

Quoc gia khong sa thai anh 2
Nhật Bản trở thành cái nôi của ngành công nghiệp game toàn cầu với những cái tên đình đám như Nintendo, SEGA, Capcom. Ảnh: Japan Travel Wonder.

Giữa điều kiện làm việc khắc nghiệt như vậy, Nhật Bản lại là nơi khai sinh hàng loạt tựa game vui nhộn, sáng tạo bậc nhất thế giới. Jake Kazdal, người đồng sáng lập studio 17-Bit ở Kyoto, đã làm việc tại Sega vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 dưới sự quản lý của Rez Tetsuya Mizuguchi.

“Điều duy nhất tôi có thể phàn nàn trong giai đoạn đó là lúc nào tôi cũng phải làm việc. Nhưng đó chỉ là trạng thái bình thường ở các hãng game Nhật Bản mà thôi”, anh cho biết.

Giống với các quốc gia khác, các nhà phát hành game Nhật Bản cũng dùng hợp đồng lao động tạm thời, tạo ra phân tầng giai cấp nhân viên tương tự như Mỹ. Trong đó, bảo hiểm việc làm dành riêng cho những người được tuyển dụng lâu dài, hay còn gọi là “seishain”. Còn nhân viên hợp đồng tạm thời được gọi là “keiyakushain”. Nếu tình trạng cắt giảm đến, hợp đồng của họ có thể sẽ không được gia hạn.

Cuối cùng là “haken” – nhân viên thuê ngoài – là tầng lớp thấp nhất. Theo Colin Williamson tại 17-Bit, haken có xu hướng được tuyển dụng trong thời gian ngắn để thực hiện “kỹ thuật đồ họa cấp thấp” và “những công việc khó khăn khác”.

Haken không được trực tiếp tuyển dụng vào các hãng phim, mà thông qua các công ty outsource (thuê ngoài). “Công việc này không có sự ổn định. Hãy tưởng tượng bạn đi làm ở một nơi nào đó trong 6 tháng, dần thích nghi cuộc sống ở đây và làm quen với những đồng nghiệp mới. Tất cả sẽ biến mất ngay khi bạn rời đi. Điều này thật khó khăn”, Williamson nói với The Verge.

Tuy nhiên, nếu tìm một nơi nhân sự ngành game được an toàn trước tình trạng sa thải kéo dài, đó chính là nhân viên chính thức “seishain” ở Nhật Bản. Serkan Toto, nhà phân tích kỳ cựu của ngành công nghiệp trò chơi tại đây, đã chỉ ra rằng tình trạng dân số giảm đã mang lại lợi ích cho người trong ngành bằng cách thúc đẩy nhu cầu dịch vụ chơi game.

Tiếng Nhật cũng trở thành một điểm cộng của người lao động, khiến vai trò của họ ít bị ảnh hưởng nếu đi làm ở một quốc gia có mức lương thấp hơn. Đây là những đặc điểm riêng của một quốc gia “có văn hóa trò chơi riêng, văn hóa kinh doanh riêng, hệ sinh thái các công ty làm game riêng biệt”, Toto nhấn mạnh.