Quyết liệt gỡ khó, tăng tốc thi công QL19 để về đích trước 31/12

Useful
31/10/24
Lượt xem : 33 view
z5985679571570 8a67bdf0a2734a748da1ae4ff8161395 17303675716581359595748 84 0 1334 2000 crop 17303675774981338052201
Rate this post

Tăng tốc thi công

Dự án nâng cấp QL19 Tây Nguyên tổng chiều dài hơn 143km đi qua địa phận hai tỉnh, vốn vay WB. Hiệp định vay vốn đã được gia hạn lần 1 và sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Quyết liệt gỡ khó, tăng tốc thi công QL19 để về đích trước 31/12- Ảnh 1.

Nhà thầu nỗ lực triển khai thi công hạng mục đèo An Khê – hạng mục khó khăn của dự án nâng cấp QL19 Tây Nguyên.

Triển khai thi công từ tháng 6/2021, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành 7/8 gói thầu xây lắp, khối lượng còn lại chủ yếu tập trung tại gói thầu XL01 trên địa bàn huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định).

Ghi nhận của PV, những ngày cuối tháng 10, trên công trường, đơn vị thi công huy động hàng trăm công nhân, máy móc triển khai dự án. Trong đó, đặc biệt tập trung vào hạng mục đèo An Khê (giáp ranh tỉnh Gia Lai và Bình Định), đây là hạng mục rất khó khăn, quyết định tiến độ dự án.

Tại hạng mục này, một mũi thi công tiến hành đo đạc nền đường, hướng tuyến đảm bảo theo thiết kế, nhiều mũi thi công tập trung thảm nhựa mặt đường. Những đoạn được thảm nhựa xong, phương tiện qua lại thuận lợi. 2 mũi thi công khác tiến hành cắt gọt phần ta luy dương sau đó phun bê tông gia cố, chống sạt lở.

Nhà thầu cho biết, tranh thủ thời tiết, đơn vị khẩn trương thảm nhựa mặt đường và thi công chống sạt mái ta luy dương. Phần việc này phải được tiến hành trước khi mùa mưa bão tới để vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo an toàn công trình, chống sạt lở gây ảnh hưởng giao thông.

Quyết liệt gỡ khó, tăng tốc thi công QL19 để về đích trước 31/12- Ảnh 2.

Thi công ta luy dương hạng mục mở rộng đèo An Khê để chống sạt lở trước khi vào mùa mưa.

Tuy vậy, phạm vi đèo thi công gặp rất nhiều bất lợi, mặt đường hẹp nhưng lượng xe rất lớn, hễ trời mưa là xảy ra ùn tắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thi công. Ngoài ra, với đặc thù vừa thi công vừa khai thác khiến nhiều đoạn không thi công liên tiếp được, ảnh hưởng tiến độ dự án.

Ông Lê Văn Huy (42 tuổi, quê Gia Lai) – tài xế xe khách tuyến Pleiku – Quy Nhơn cho biết, mỗi lần qua lại đoạn đèo này gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt trong mùa mưa, rất lo sợ xảy ra sạt lở.

Hiện tại, những đoạn đã hoàn thành thảm nhựa trên tuyến, phương tiện qua lại rất thuận lợi. Chỉ mong dự án được sớm hoàn thành để việc di chuyển được êm thuận, đảm bảo an toàn hơn, nhất là khi đã bắt đầu bước vào mùa mưa.

Rốt ráo gỡ vướng mắc

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc trong công tác GPMB dự án nâng cấp QL19 Tây Nguyên. Theo Ban QLDA 2 (chủ đầu tư dự án), mặc dù khó khăn về nguồn vốn giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ nhưng đến nay vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận cho thi công, cụ thể là các vị trí đường đầu cầu Bầu Sen, cầu Ba La và một số vị trí trên tuyến. Trong khi đó, cầu Bầu Sen và cầu Ba La là hai hạng mục quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ gói thầu XL01.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Tây Sơn khẩn trưởng lập kế hoạch chi tiết, khả thi để triển khai công tác GPMB đối với toàn bộ khối lượng còn tồn tại vướng mắc, đảm bảo hoàn thành dứt điểm trước ngày 5/11.

Đồng thời, phối hợp với Ban QLDA 2 và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động người dân chấp hành phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, sớm bàn giao mặt bằng thi công. Xử lý các trường hợp hộ dân có hành vi cản trở thi công trên công trường để đảm bảo tiến độ dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không đảm bảo tiến độ thực hiện GPMB dự án theo thời gian yêu cầu của Bộ GTVT.

Quyết liệt gỡ khó, tăng tốc thi công QL19 để về đích trước 31/12- Ảnh 3.

Dự án nâng cấp QL19 Tây Nguyên hoàn thành sẽ giúp phương tiện qua lại đèo An Khê được dễ dàng, an toàn hơn.

Trao đổi với Báo Giao thông sáng 31/10, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tây Sơn cho biết, đến hiện tại vẫn còn 8 trường hợp có hành vi cản trở thi công dự án.

Đơn cử như hộ ông Huỳnh Công Hoa bị ảnh hưởng về đất và được bồi thường, hỗ trợ về đất số tiền hơn 218 triệu đồng, hộ ông Đặng Hoàng Khải bị ảnh hưởng về đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu và được bồi thường, hỗ trợ hơn 177 triệu đồng, hộ ông Võ Hữu Lộc bị ảnh hưởng về đất, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu và được bồi thường hơn 776 triệu đồng…

“Tất cả 8 hộ trên đều đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và cam kết giao trả mặt bằng theo phạm vi GPMB. Trong quá trình thực hiện công tác GPMB, các hộ trên không có ý kiến gì và đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

Tuy nhiên đến nay, các hộ gây cản trở đơn vị thi công không cho đơn vị thi công thực hiện thảm nhựa mặt đường. Các hộ đề nghị được bồi thường chênh lệch giá đất và hỗ trợ nâng nền”, đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tây Sơn nói.

Hội đồng Bồi thường – Giải phóng mặt bằng huyện đã phối hợp cùng UBND xã Tây Giang vận động, giải thích nhưng các hộ dân vẫn cố tình không hiểu. Do đó, đã kiến nghị UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo UBND xã Tây Giang tiếp tục tăng cường công tác vận động các hộ dân. Trong trường hợp người dân tiếp tục cản trở, tới đây sẽ tiến hành bảo vệ thi công để đảm bảo tiến độ dự án.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source