Biển báo không đúng quy chuẩn
Ngày 2/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Trọng Tuệ – Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.1 (Khu Quản lý đường bộ II – cơ quan quản lý nhà nước tuyến cao tốc), khẳng định: “Thông tin Tập đoàn Sơn Hải tố cáo về việc các biển báo do nhà thầu này thi công trên tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu bị phá hoại là không chính xác”.
“Vừa qua trên mạng có dấy lên thông tin lãnh đạo Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (một trong các nhà thầu tham gia thi công gói XL01, Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu) tố cáo có một nhóm người dùng xe tải có cẩu nâng, đi dọc tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu phá dỡ các biển báo cam kết bảo hành 10 năm, bằng cách xé hết dòng chữ: “Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 10 năm”.
Việc này gây thiệt hại lên đến cả trăm triệu đồng. Đồng thời, nhà thầu này nói có đơn tố giác gửi lên cơ quan Công an Thanh Hoá. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh, chúng tôi xác định bản chất sự việc là hoàn toàn khác”, ông Tuệ cho biết.
Theo ông Tuệ, việc xoá bỏ dòng chữ “Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 10 năm” do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi – đơn vị được giao quản lý, bảo dưỡng thường xuyên) thực hiện theo chỉ đạo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước và Cục Đường bộ Việt Nam.
Biển báo trên tuyến cao tốc được thiết kế và phê duyệt (ảnh trái) và biển báo nhà thầu thi công thêm dòng chữ không đúng quy chuẩn.
Lý giải về nguyên nhân phải bỏ dòng chữ trên biển báo, ông Tuệ cho biết, trong hồ sơ thiết kế dự án được các cơ quan có thẩm quyền duyệt, cũng như hồ sơ hoàn công đối với hạng mục biển báo không có nội dung và thiết kế như vậy.
Khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước đi kiểm tra vào giữa năm 2024 đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư) chỉ đạo nhà thầu thi công, phải sửa chữa khắc phục đúng theo hồ sơ thiết kế, nhưng sau đó các bên không thực hiện.
Từ ngày 20/8, tuyến đường chính thức được bàn giao đưa vào sử dụng, Khu QLĐB II cũng đã yêu cầu Ban QLDA 6 chỉ đạo nhà thầu sửa chữa, khắc phục các tồn tại của biển báo. Nhưng đến cuối tháng 10, Ban và nhà thầu vẫn không khắc phục, buộc Khu phải yêu cầu đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa ngay những biển báo không đúng với hồ sơ thiết kế, những biển báo có dòng chữ quảng cáo không đúng quy chuẩn để đảm bảo an toàn giao thông.
“Không hiểu vì lý do gì mà sau khi đơn vị bảo trì thực hiện bóc dỡ, sửa chữa biển báo về đúng quy chuẩn thì nhà thầu đưa hình ảnh kèm thông tin như ở trên, tạo ra dư luận trái chiều”, ông Tuệ đặt câu hỏi.
Quảng cáo trên biển báo giao thông là sai
Cách đây vài tháng, PV Báo Giao thông cũng nhận được phản ánh của người dân về tình trạng quảng cáo được dán, in tràn lan trên các tuyến cao tốc, trong đó có tuyến Nghi Sơn – Diễn Châu.
Có nơi, nội dung quảng cáo còn in đè lên biển giới hạn tốc độ, biển chỉ dẫn giao thông gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông trên tuyến cao tốc.
Muôn kiểu quảng cáo làm mất mỹ quan và an toàn giao thông trên tuyến cao tốc đoạn qua các tỉnh miền Trung.
Anh Nguyễn Văn Nam (ở huyện Diễn Châu) cho biết: “Trên cao tốc, các phương tiện đều di chuyển với tốc độ cao, tối thiểu là 60km/h, tối đa là 90km/h. Vì thế, biển báo thường được in to và hạn chế chữ viết. Nếu trên biển báo có thêm các dòng chữ quảng cáo thì dễ khiến tài xế bị rối mắt, phân tâm. Điều này là rất nguy hiểm, có thể gây ra tai nạn bất cứ lúc nào”.
Lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ II thừa nhận, qua kiểm tra trên toàn tuyến, đúng là có một số đơn vị đã tự ý in, dán các dòng chữ quảng cáo như: vá, làm lốp, dán tên doanh nghiệp cứu hộ, dán cam kết bảo hành… lên các biển báo giao thông trên tuyến chính, cũng như các cầu vượt ngang cao tốc. Ngoài ra, tại hai đầu hầm Tam Điệp, có doanh nghiệp còn chôn cả biển quảng cáo riêng.
“Qua đối chiếu, chúng tôi thấy những quảng cáo này không có trong hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Những quảng cáo này cũng không được cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo cấp phép. Nên khi lập biên bản nghiệm thu, chúng tôi đã yêu cầu Ban QLDA 6 chỉ đạo các nhà thầu sửa chữa và khắc phục theo đúng thiết kế”, vị lãnh đạo trên cho hay.
Nêu quan điểm vấn đề này, ông Phan Huy Chương, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Nghệ An thông tin: “Tất cả các biển báo đều phải được sản xuất, lắp đặt đúng kích thước, đầy đủ nội dung theo quy chuẩn đã ban hành. Việc đưa thêm các nội dung ngoài quy chuẩn, thông tin quảng cáo vào biển báo mà chưa có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là sai và cần phải xử lý theo quy định”.
“Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam và Khu QLĐB II là luôn ủng hộ các nhà thầu, nhất là các nhà thầu thi công công trình đạt chất lượng cao, sẵn sàng cam kết bảo hành dài hạn. Vào năm 2014 và 2015, khi nhà thầu Sơn Hải đề xuất và được Bộ chấp thuận, chúng tôi cũng tạo điều kiện để nhà thầu đặt các biển cam kết bảo hành 5 năm ở hai bên hành lang quốc lộ 1. Còn như bây giờ, nhà thầu tự ý dán thêm chữ vào các biển báo, biển chỉ dẫn giao thông là hoàn toàn sai, không đúng với quy chuẩn quốc gia, hồ sơ thiết kế dự án… Trong trường hợp xảy ra mất an toàn trên tuyến mà nguyên nhân liên quan đến vấn đề biển báo thì chắc chắn cơ quan chức năng sẽ truy cứu trách nhiệm với các cơ quan quản lý tuyến, chứ không riêng gì nhà thầu”, lãnh đạo Khu QLĐB II nói.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source