Hy vọng cho dự án BOT đang vận hành gặp khó khăn
Trong khuôn khổ chuyến đi khảo sát thực địa, kiểm tra tiến độ triển khai hai dự án đường cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng và Đồng Đăng – Trà Lĩnh và làm việc với hai tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn ngày 14/11 vừa qua, tháo gỡ khó khăn cho dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu và báo cáo việc xem xét khả năng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các dự án BOT đang khai thác.
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tham mưu để xây dựng báo cáo trình Chủ tịch Quốc hội về nội dung hỗ trợ ngân sách nhà nước cho các dự án BOT đang khai thác gặp khó khăn, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Về mức độ hỗ trợ, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tính toán và xác định cụ thể, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm tối đa, tránh lãng phí nguồn lực nhưng vẫn hỗ trợ hiệu quả cho các dự án, góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông.
Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ của Bộ chuyên ngành một lần nữa mở ra hi vọng thoát khó cho dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, sau 5 năm đi vào khai thác, dự án ghi nhận doanh thu thu phí chỉ đạt 32% phương án tài chính ban đầu. Dòng tiền hoàn vốn bị thâm hụt bởi những nguyên nhân không xuất phát từ nhà đầu tư.
Trông chờ Luật PPP sửa đổi
Theo số liệu tổng hợp của Bộ GTVT, tính đến trước thời điểm Luật PPP ban hành (năm 2020), cả nước đã huy động gần 319.000 tỷ đồng đầu tư 140 dự án giao thông theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT.
Các dự án PPP đưa vào khai thác góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng.
Dù vậy, sau khi Luật PPP chính thức có hiệu lực vào năm 2021, số lượng dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức này có xu hướng giảm.
Trao đổi với báo chí, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) khẳng định, nếu những bất cập trong Luật PPP hiện hành không được giải quyết triệt để, niềm tin của nhà đầu tư sẽ bị suy giảm.
Nhiều dự án lẽ ra có thể triển khai theo hình thức PPP lại bị chuyển sang đầu tư công dẫn đến lãng phí nguồn lực và đi ngược lại mục tiêu thu hút đầu tư xã hội hóa.
“Thẳng thắn nhìn nhận, nội dung Luật PPP chưa đảm bảo được sự công bằng giữa các chủ thể tham gia”, ông Chủng chia sẻ.
Phát biểu tại nghị trường 6/11, Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhận định một số nội dung được đề cập tại dự thảo Luật PPP sửa đổi được các nhà đầu tư rất quan tâm, trong đó có việc bổ sung nguồn vốn Nhà nước để xử lý rủi ro giảm doanh thu của các dự án PPP.
Theo vị đại biểu này, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về hỗ trợ vốn Nhà nước đối với các dự án PPP được ký kết trước thời điểm Luật có hiệu lực trong trường hợp cần thiết; Đồng thời, cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà đầu tư và bên cho vay.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH Lạng Sơn thì cho rằng, đối với những dự án BOT đang vận hành đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân khách quan, không xuất phát từ nhà đầu tư, cần có các giải pháp hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan.
“Cơ quan soạn thảo Luật cần cân nhắc, xem xét kỹ hơn để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ quan liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả của phương thức đầu tư PPP,” Đại biểu tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.
Ông Lưu Bá Mạc nhận định cần điều chỉnh cơ chế chia sẻ phần tăng và giảm doanh thu như quy định tại điều 82 của Luật PPP hiện hành, nhằm áp dụng với các dự án BOT đã ký hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực. Điều này giúp xử lý linh hoạt các hợp đồng cũ, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên và phù hợp với thay đổi pháp lý mới.
Trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật PPP trình Quốc hội xem xét, giải pháp đối với các dự án phải chấm dứt hợp đồng đã được đưa ra.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho các dự án PPP đã đưa vào khai thác nhưng gặp khó khăn tài chính hay các điều kiện chuyển tiếp trong quá trình áp dụng luật vẫn chưa được quan tâm đưa vào dự thảo Luật.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Làm nail ở Đức lương bao nhiêu? Thu nhập làm nail ở Đức có cao không?
- Review Chi Tiết TOP 3 Sữa Dưỡng Thể Vaseline Được Chị Em “Cực” Ưa Chuộng
- Hướng dẫn cách tóm tắt ghi âm trên Samsung bằng AI giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức
- Hơn 32.000 tỷ mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận
- Bàn giao mặt bằng thi công hai trạm dừng nghỉ cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây