Tắc tia sữa (hay viêm tuyến vú) là một vấn đề phổ biến mà các bà mẹ có thể gặp phải sau khi sinh con. Thực tế, khoảng 20-30% các bà mẹ có thể gặp phải tắc tia sữa trong quá trình cho con bú. Tuy nhiên, tần suất và mức độ nặng của tắc tia sữa có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cấp độ sản xuất sữa, phương pháp cho con bú, tư thế cho con bú, và cơ địa của từng người. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Tắc tia sữa qua bài viết dưới đây nhé.
Tắc tia sữa
Tắc tia sữa là gì? Nguyên nhân bệnh tắc tia sữa
Sữa mẹ được sản xuất ra từ các nang sữa, theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa nằm ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, lòng ống dẫn bị hẹp bít lại làm sữa không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần hình thành cục cứng do hiện tượng sữa đông kết. Trong khi đó, sữa vẫn tiếp tục được tiết ra làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng tròn bệnh lý, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.
Hiện tượng này thường xảy ra ở các sản phụ trong những ngày đầu sau sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Tắc tia sữa sau sinh có thể khiến việc cho con bú cũng như hút sữa để tích trữ gặp nhiều khó khăn, đau đớn. Nếu bị tắc tia sữa không điều trị kịp thời và đúng phương pháp có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như tắc tuyến sữa có mủ gây viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, lâu dần người mẹ ít sữa hoặc sẽ mất sữa.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc tia sữa ở phụ nữ cho con bú, chẳng hạn như:
- Vừa mới sinh con: một số mẹ gặp phải tình trạng tắc tia sữa sau sinh. Bầu ngực chứa rất nhiều sữa nhưng vẫn không thể chảy ra ngoài cho bé bú được.
- Sữa mẹ dư thừa: Hầu hết trong các trường hợp, nguyên nhân gây tắc tia sữa là do sữa mẹ còn thừa ở trong bầu ngực do em bé không bú hết hoặc bạn không hút phần sữa thừa sau khi bé đã bú no, dẫn đến sữa còn đọng lại, gây ra tắc nghẽn.
- Ngực chịu áp lực: mặc một chiếc áo ngực quá chật, áo bó hoặc mang địu địu bé trước ngực đôi khi cũng khiến các tia sữa bị tắc. Ngoài ra, việc nằm sấp khi ngủ và tập luyện thể thao cũng gây ra tình trạng tương tự.
- Ít hút sữa ra ngoài: Nếu ít hút sữa hoặc hút không hết sữa, bạn dễ gặp phải tình trạng tắc tia sữa. Lực hút của máy yếu không thể hút hết sữa ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị tắc tia sữa.
- Bé ngậm bắt vú mẹ không đúng: Khi bé ngậm vú mẹ không đúng cách, bé sẽ không thể bú đủ lượng sữa mẹ sản xuất ra. Do đó, sữa còn tồn đọng lại trong bầu ngực là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa.
- Mẹ không cho bú thường xuyên: nếu không cho bé bú thường xuyên hoặc không hút sữa ra hết trong khoảng 5 giờ đến 1 ngày sẽ gây tình trạng tắc tia sữa
- Stress: Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin có nhiệm vụ kích thích vú tiết sữa.
Triệu chứng bệnh tắc tia sữa
Dù bạn đang ở giai đoạn đầu cho con bú sữa mẹ hoặc đã cho con bú một thời gian, tình trạng tia sữa bị tắc nghẽn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bạn có thể chú ý thấy một số dấu hiệu nhận biết mình đang bị tắc tia sữa:
- Sữa không tiết ra hoặc tiết ra rất ít, ngay cả khi mẹ chủ động vắt sữa
- Ngực căng cứng và to hơn so sới bình thường, mức độ căng cứng càng lúc càng to dần, cảm giác đau nhức
- Tắc tia sữa thành cục cứng. Khi sờ vào bầu vú, mẹ cảm nhận được một hoặc nhiều điểm cứng
- Ngực sưng nóng đỏ
- Đôi khi tắc tia sữa gây sốt
Tác hại của tắc tia sữa
Tắc tia sữa nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng:
- Sữa ra ít hoặc không ra cho bé bú
- Viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú
Mẹ dễ bị trầm cảm sau sinh vì áp lực không thể cho con bú mẹ do tắc tia sữa
Triệu chứng tắc tia sữa
Cách phòng ngừa bệnh tắc tia sữa
- Nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh.
- Cho bú đều 2 bên. Bú hết sữa ở vú bên này rồi chuyển sang vú bên kia. Trường hợp mẹ của bé có nhiều sữa mà bé bú không hết thì sau khi bé bú no phải hút sữa dư ra, tránh để ứ đọng.
- Sữa non rất đặc, dễ gây tắc nên trước và sau cho con bú nên day ép bầu vú nhẹ nhàng để tránh sữa đông kết.
- Giữ vệ sinh núm vú sạch sẽ sau khi cho con bú bằng cách lau rửa bằng nước đã đun sôi còn ấm.
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt trong suốt quá trình cho con bú. Ổ nhiễm khuẩn vùng răng miệng là điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh nhiễm khuẩn ở vú trên cơ sở một nghẽn tắc sẵn có
- Sử dụng áo ngực hoặc quần áo rộng rãi, thoải mái
- Uống thật nhiều nước
- Nghỉ ngơi đầy đủ, nếu được hãy áp dụng một số bài tập thiền hoặc yoga, luyện tập thể thao
- Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan nhất.
Biện pháp chẩn đoán và điều trị tắc tia sữa
Biện pháp chẩn đoá
Mẹ của bé sẽ là người đầu tiên phát hiện ra những dấu hiệu (triệu chứng) của bệnh. Nên sự hiểu biết về bệnh là việc hết sức cần thiết, điều này có thể giúp mẹ của bé tự chẩn đoán và tiến hành tự điều trị sớm.
Khi phát hiện ra bầu vú có dấu hiệu căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần thì phải chú ý quan sát: Bề mặt vú có đỏ và sờ có đau không? (cần so sánh 2 bên với nhau thì mới thấy sự khác biệt, tuy nhiên cũng có khi cả 2 bên cùng bị nhưng trường hợp này ít gặp hơn và nếu có thường không đối xứng). Có cảm giác sốt hay không?
Tình trạng tắc tia sữa có thể là dấu hiệu của bệnh viêm vú và cần được điều trị bằng kháng sinh nếu bị nhiễm trùng. Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm để xác định những vùng tia sữa bị tắc nghẽn, từ đó sẽ đưa ra được phương pháp can thiệp giúp thông tia sữa hiệu quả.
Điều trị tắc tia sữa
- Nên chườm khăn ấm lên ngực hoặc xoa bóp ngực nhẹ nhàng trước khi cho con bú.
- Sau khi cho con bú, mẹ vắt sữa bằng tay hoặc dùng máy hút sữa để tránh tình trạng sữa còn sót lại gây ứ đọng.
- Khi có biểu hiện tắc sữa, mẹ nên cho trẻ bú bên ngực bị tắc trước.
- Nếu tình trạng tắc không được cải thiện hiệu quả bằng những cách trên hoặc để lâu ngày dẫn đến viêm vú, áp xe vú thì mẹ cần đi khám để được bác sĩ điều trị. Thông thường với những trường hợp viêm hoặc áp xe, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc có thể phải trích mủ.
- Massage: Massage nhẹ nhàng nhưng phải tạo được 1 lực chắc chắn tương đối lên nơi đang bị tắc, massage từ nơi tắc hướng về phía núm vú.
- Dùng máy hút sữa: Sau khi cho con bú xong mẹ sẽ dùng máy hút sữa thêm.
Mẹ nên cho trẻ bú bên ngực bị tắc trước
Kết luận
Tắc tia sữa là một vấn đề thường gặp ở các bà mẹ sau sinh, nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được nhận biết sớm. Việc cho bé bú đều đặn, hút sữa thừa sau mỗi lần bú, và duy trì vệ sinh núm vú sạch sẽ là những cách đơn giản để ngăn ngừa tắc tia sữa. Ngoài ra, hãy giữ cho tinh thần thoải mái, uống đủ nước và nghỉ ngơi đầy đủ. Nếu bạn gặp phải tình trạng tắc tia sữa, hãy thử chườm ấm và massage nhẹ nhàng vùng ngực trước khi cho bé bú. Trong trường hợp triệu chứng không cải thiện, nên tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ để tránh những biến chứng nghiêm trọng. Việc chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé luôn là ưu tiên hàng đầu, hãy chú ý đến những dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả hai.
—————————————-
Nguồn pharmacity.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Xe Toyota Wigo 2022: Trả góp trả trước bao nhiêu? Giá lăn bánh tháng 12/2024
- Hé lộ dàn cast tham gia MV “Cứ để anh” của Neko Lê
- Giường ngủ tân cổ điển – Bật mí giá thành chi tiết nhất
- Toàn cảnh concert Say Hi D-3 tại Hà Nội: 30 Anh Trai mang đến loạt hit bùng nổ, đu idol quốc nội hoá ra vui thế này!
- Nhiều trường đại học vẫn đang miệt mài tuyển sinh