Một đồng bảo trì bằng 4 đồng làm mới
Theo đánh giá, hệ thống quốc lộ hiện nay có hơn 25.000 km và hơn 6.700 cây cầu với giá trị ước tính khoảng 3 triệu tỷ đồng. Đây là khối tài sản lớn của đất nước, vì vậy phải nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ, quản lý hiệu quả đồng vốn, đáp ứng an toàn, đúng pháp luật và chặt chẽ hơn.
Theo các chuyên gia, hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua cho thấy giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, khí hậu; và đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và thiên tai phức tạp khó lường gây ra lũ lụt, mưa bão, hạn hán, mực nước biển dâng.
Nhận thức rõ được vấn đề, nhiều năm qua, Cục Đường bộ VN đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác bảo trì đường bộ nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai đối với hạ tầng giao thông.
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý tổ chức giao thông, Cục Đường bộ VN cho hay, chiều dài đường rải bê tông nhựa tăng từ gần 50% năm 2015 lên trên 70% năm 2022, hàng nghìn km quốc lộ mặt được mở rộng; trên 40 điểm thường xuyên ngập lụt tại Tây Nam bộ đã được sửa chữa, nâng cấp.
Về công trình an toàn giao thông đã sửa chữa, bổ sung hàng nghìn km hộ lan, hàng vạn cọc tiêu, biển báo, hàng chục vị trí xây dựng đường cứu nạn và các công trình an toàn giao thông khác đã được sửa chữa, bổ sung để hệ thống quốc lộ ngày càng an toàn với tốc độ và lưu lượng giao thông ngày càng tăng.
Việc sửa chữa khắc phục hậu quả thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ khâu xây dựng thể chế, đến bổ sung nguồn lực và đặc biệt đã thực hiện tốt chủ trương 4 tại chỗ để sửa chữa, khắc phục kịp thời thông đường sớm, bảo đảm giao thông an toàn.
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Điệp cho rằng, việc bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông còn những bất cập như quy mô, chất lượng các tuyến quốc lộ chưa đều, nhiều tuyến quốc lộ chất lượng tốt, nhưng cũng có một số đoạn quốc lộ còn hạn chế, chất lượng quản lý, bảo trì vẫn còn tồn tại, hạn chế.
GS.TS. Bùi Xuân Cậy, giảng viên cao cấp, Bộ môn Đường bộ, Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT cho rằng, duy tu bảo dưỡng đường có vai trò quan trọng, một đồng bỏ ra duy tu có thể tiết kiệm được 4 đồng so với làm mới.
“Đường hư hỏng nhỏ được kịp thời sửa chữa sẽ hạn chế phát sinh hư hỏng, không từ “ổ gà” thành “ổ voi”. Vì vậy, trong quá trình khai thác vận hành đường bộ phải thường xuyên duy tu, bão dưỡng sẽ giảm tác động thiệt hại do mưa lũ”, ông Cậy nói.
Chất lượng bảo trì là vấn đề sống còn
Theo ông Điệp, Cục Đường bộ VN để cải thiện chất lượng phục vụ giao thông theo hướng an toàn, thông suốt, êm thuận, Nghị quyết chuyên đề 06/2022 của Đảng ủy Cục Đường bộ VN về tăng cường các giải pháp để đảm bảo chất lượng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, bảo trì đường bộ.
Theo đó, Cục Đường bộ VN sẽ thực hiện sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới việc kiểm tra quản lý, bảo trì, quản lý dự án và lựa chọn tư vấn lập dự án, thiết kế các dự án sửa chữa công trình đường bộ; tăng cường quản lý, kiểm tra đối với các công trình cầu.
Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của các nhà thầu báo trì có năng lực, kinh nghiệm quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình đường bộ và khen thưởng và xử lý vi phạm chất lượng quản lý, bảo trì.
Chia sẻ thêm, ông Lê Hồng Điệp cho hay, thời gian tới, để nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ, Cục Đường bộ VN sẽ tiếp tục kiến nghị từng bước tăng tổng vốn dành cho quản lý, bảo trì quốc lộ; bổ sung vốn để duy trì hoạt động các hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin phục vụ quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng dữ liệu cầu, đường, kết cấu hạ tầng đường bộ.
Qua đó bảo đảm sự hoạt động các hệ thống này liên tục, khai thác hiệu quả trong quản lý, bảo trì, lập kế hoạch thực hiện bảo trì, theo dõi, dự đoán, tình trạng xuống cấp; phục vụ kiểm định định kỳ, đánh giá an toàn công trình.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, việc nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ là vấn đề sống còn trong bối cảnh hiện nay. Trong bảo trì có 3 vấn đề lớn là sửa chữa thường xuyên, định kỳ, đột xuất.
Trong đó, việc đầu tiên phải làm là nâng cao chất lượng hồ sơ, đổi mới trách nhiệm của tư vấn, thiết kế, thẩm định, phê duyệt. Tôn trọng vấn đề chất lượng bảo trì ngay từ tư tưởng chỉ đạo giữa các chủ đầu tư, nhà thầu, phải nghiêm túc coi trọng chất lượng, không được để công trình nào xảy ra vấn đề về chất lượng không đảm bảo.
Cục Đường bộ VN sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhà thầu tham gia bảo trì quốc lộ để theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện của nhà thầu, nhằm phân loại trong lựa chọn nhà thầu; có hình thức khen thưởng khuyến khích kịp thời hàng năm.
Nhấn mạnh mục tiêu lấy con đường, an toàn và hiệu quả là trung tâm, ông Thắng cho rằng, hệ thống đường bộ rộng lớn và có giá trị nên cần có các “chân rết” là các doanh nghiệp quản lý bảo trì đường bộ truyền thống. Từ quan hệ hợp đồng giữa hai bên có thể nâng lên thành đối tác chiến lược cùng bảo vệ con đường, cây cầu được an toàn, khai thác hiệu quả.
Trong khi đó, GS.TS. Bùi Xuân Cậy, giảng viên cao cấp, Bộ môn Đường bộ, Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT cho rằng, để giao thông được thông suốt cần ưu tiên nguồn ngân sách phòng chống thiêt tai cho các địa phương khó khăn. Công việc cụ thể phải làm kịp thời, thiết thực, hiệu quả nhất. Đảm bảo bảo hiệu quả phòng chống, khắc phục, cần rút gọn thủ tục đầu tư đối với công trình cấp bách và cho phép chỉ định thầu để rút ngắn thời gian đầu tư.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Giá bàn ăn gỗ gõ đỏ – Chuẩn chất lượng loại 1 sẽ thế nào ?
- 19 món ngon từ chim cút dễ làm bổ dưỡng lợi tiểu, ích khí, mạnh gân cốt
- Một số tiệm nail đẹp được các chị em yêu thích tại Hà Nội có cách trang trí cổ kính
- Nhan sắc bộ ba mỹ nhân đẹp nhất “Sex education”
- Để giảm giá SGK, đơn vị phát hành phải tìm mọi cách để tiết giảm chi phí tối đa