28 dự án lên kế hoạch về đích năm 2025
Tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ các dự án cao tốc hoàn thành năm 2025 do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì ngày 10/10, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, sau đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”, tiến độ trên các công trường dự án ghi nhận nhiều chuyển biến.
Theo ông Tiến, dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (dài 16km) đã được UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất bổ sung vào danh mục dự án về đích năm 2025.
Tính đến nay, có 28 dự án/dự án thành phần được lên kế hoạch về đích năm 2025, tổng chiều dài gần 1.200km.
Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, Bộ GTVT đã phân loại các dự án thành 3 nhóm tương ứng với mức độ khó khăn khác nhau.
Nhóm 1 gồm 13 dự án/dự án thành phần hoàn thành năm 2025 (736km) cơ bản không còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhóm 2 gồm 9 dự án/dự án thành phần cần tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025 (300km).
Nhóm 3 gồm 6 dự án/dự án thành phần và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức – Long Thành với tổng chiều dài 152km có kế hoạch hoàn thành năm 2025 phải rất nỗ lực mới có thể hoàn thành.
Thi công gặp khó vì mặt bằng “xôi đỗ”
Ông Tiến cũng cho biết, hiện nay nhiều dự án có giá trị thực hiện lớn, vượt tiến độ và đăng ký rút ngắn thời gian hoàn thành từ 3 – 6 tháng như: Bãi Vọt – Hàm Nghi (61%), Hàm Nghi – Vũng Áng (60%), Vũng Áng – Bùng (68%), Bùng – Vạn Ninh (62%), Vạn Ninh – Cam Lộ (59%), Vân Phong – Nha Trang (76%); Hoài Nhơn – Quy Nhơn (53%), Quy Nhơn – Chí Thạnh (51%), Chí Thạnh – Vân Phong (59%).
Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án đang có sản lượng thi công thấp, đối diện nguy cơ lỡ hẹn về đích nếu không sớm tháo gỡ “nút thắt” mặt bằng.
Điển hình như dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản. Trong số hơn 137ha cần thu hồi, đến nay, địa phương mới bàn giao hơn 75ha (đạt 54%). Mặt bằng có thể thi công được khoảng 26%. Mặt bằng “xôi đỗ” khiến sản lượng thi công mới đạt hơn 5% giá trị hợp đồng.
Cùng trên trục cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản cũng chưa đáp ứng kế hoạch bởi tiến độ bàn giao mặt bằng.
Trên tổng chiều dài hơn 18km qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, địa phương mới bàn giao hơn 12km (đạt hơn 68%). Chiều dài mặt bằng còn lại chưa thể thi công, sản lượng thực hiện của nhà thầu mới hơn 16%.
Dự án thành phần 5 thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM (dài 11km) cũng đang “lụt” tiến độ bởi mặt bằng.
Trong số gần 80ha cần thu hồi, diện tích được bàn giao mới đạt 59ha, sản lượng thi công đạt 15%, chậm 21% so với kế hoạch.
Tương tự, cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đang bị chậm 38% so với kế hoạch. Địa phương hiện mới bàn giao mặt bằng 57/70km.
Địa phương cần tăng tốc GPMB
Thừa nhận công tác GPMB còn chậm, lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định, chậm nhất đến hết năm 2024, công tác này sẽ hoàn thành.
Cũng đề cập đến mặt bằng, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, dự kiến mặt bằng thi công Vành đai TP.HCM qua tỉnh này sẽ được bàn giao trong tháng 10/2024. Mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hết năm nay sẽ được hoàn thành.
Là cơ quan chủ quản triển khai dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết, trên tổng chiều dài hơn 31km qua địa bàn tỉnh, có 22km nằm trong kế hoạch về đích năm 2025.
Đến nay, công tác GPMB đã thực hiện được 90%, còn 2km với 14 điểm nghẽn chủ yếu liên quan đến công tác tái định cư đang tháo gỡ. “Tất cả đang vào cuộc để đưa dự án về đích chậm nhất vào cuối năm 2025”, ông Dần khẳng định.
Làm rõ khả năng cung ứng vật liệu
Đề cập về nguồn vật liệu, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, với hai đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau, nhu cầu cát để hoàn thành công tác đắp gia tải đến tháng 12/2024 theo kế hoạch còn thiếu khoảng 6.150.000m3.
Dù nguồn cung đã được xác định đủ, song công suất khai thác còn hạn chế. Công suất thực tế có thể đưa về công trường 56.000m3 trong khi nhu cầu khoảng 76.000m3/ngày. Bình quân chỉ đạt trung bình 50.000m3/ngày.
Với lượng cát còn thiếu trong năm 2024 khoảng 600.000m3, đơn vị đang tích cực làm việc với các mỏ ở Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và tính toán đến cả việc lấy cát từ Campuchia.
Bám sát dự án đoạn Cần Thơ – Cà Mau từ giai đoạn đầu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá, giải pháp thi công hai dự án thành phần đã được xác định rõ. Quan trọng nhất bây giờ là tổ chức thi công.
“Đến ngày 31/12, công tác gia tải cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau bắt buộc phải hoàn thành”, Thứ trưởng Lâm yêu cầu, đồng thời đánh giá, hiện tại, dự án Vành đai 3 đi qua TP.HCM mới đạt 19% sản lượng.
Nhu cầu vật liệu cát cần hơn 9.000.000m3 nhưng hiện mới đưa về công trường 1.800.000m3. Đáp ứng thời gian về đích, phương án lấy cát thương mại từ Campuchia đang được nghiên cứu. Cục Đường cao tốc phải làm việc với chủ đầu tư rà soát khó khăn, làm rõ khả năng cung ứng vật liệu.
“Với dự án Cao Lãnh – An Hữu nằm ở nhóm dự án 3, Đồng Tháp rất quyết tâm đưa về đích năm 2025, nhưng khó khăn lớn nhất là thi công đất yếu. Việc cung cấp cát gia tải chờ lún ra sao để kịp hoàn thành trong năm 2025 cần làm rõ”, Thứ trưởng Lâm nói.
Tháo gỡ mặt bằng, nâng công suất mỏ
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề vật liệu thi công các dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ, cần tính toán kỹ nguồn vật liệu song song với tháo gỡ mặt bằng.
“Ngay cả khi dùng đá thay cát thi công nền thì vẫn phải nỗ lực làm thủ tục nâng công suất các mỏ cát, duy trì nguồn vật liệu thi công.
Chủ đầu tư phải tính toán kỹ, trong bối cảnh vật liệu không đảm bảo, thời gian gia tải kéo dài thêm, tức là thời gian thi công ngắn lại, khi tổ chức thi công móng mặt đồng loạt, nhà thầu có đảm bảo được thiết bị, con người không? Công địa có đủ điều kiện để máy móc trải ra làm không?”, Bộ trưởng lưu ý.
Ông Lê Đình Thọ, Tổ trưởng Tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tiến độ cấp mỏ nhanh một tuần thì dự án có một tuần tăng tốc, nhưng chậm một tháng thì nguy cơ vỡ tiến độ rất cao, đòi hỏi phải có sự chia sẻ trách nhiệm.
“Các địa phương cần nghiên cứu, mỏ nào không nằm trong cơ chế đặc thù thì xem xét cân đối ưu tiên cho các dự án trọng điểm”, ông Thọ nói.
13 dự án/dự án thành phần nhóm 1:
10 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa; Cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Cao tốc Bến Lức – Long Thành (không bao gồm 3km phạm vi cầu Phước Khánh).
9 dự án/dự án thành phần nhóm 2:
Cần Thơ – Hậu Giang; Hậu Giang – Cà Mau; Cao Lãnh – Lộ Tẻ; Hòa Liên – Túy Loan; Dự án thành phần 1, 3, 7 Vành đai 3 TP.HCM; Dự án thành phần 1, 3 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang qua Hà Giang.
6 dự án/dự án thành phần nhóm 3:
Dự án thành phần 1, 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Dự án thành phần 3, 5 Vành đai 3 TP.HCM; Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang qua Tuyên Quang; Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu; Gói thầu J3-1 khu vực cầu Phước Khánh cao tốc Bến Lức – Long Thành.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Lâm Tâm Như khoe ảnh diện bikini, nhìn chất lượng làn da tuổi 48 ai cũng bất ngờ
- Joker: Folie à Deux – Hời hợt và thiếu đột phá
- TOP 10 xe 5 chỗ gầm cao giá rẻ đáng mua nhất 2024
- Tổng hợp những thiết kế nội thất tân cổ điển cho nhà ống đẹp
- Hướng dẫn làm tôm chua Huế – đặc sản xứ thơ, ngon ngất ngây