Thi vào lớp 10: Không bốc thăm, chọn môn thứ 3 thế nào để phân luồng học sinh?

Useful
27/10/24
Lượt xem : 39 view
thi thpt nguoiduatinvn 8 1729917393863520900291 95 0 1435 2560 crop 17299174266511010923983
Rate this post

Năm học 2024-2025 là năm chu kỳ Chương trình GDPT 2018 được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Đây cũng là năm kỳ thi vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT sẽ thực hiện theo chương trình mới.

Để có sự điều chỉnh tốt nhất, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Trong đó, quy định chung việc thực hiện thi tuyển vào lớp 10 THPT gồm 3 môn thi Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD&ĐT quyết định, môn thi được công bố trước ngày 31/3 hàng năm, thay vì quy định bốc thăm môn thi thứ 3 như dự thảo trước đó.

Ngoài ra, dự thảo cũng ghi rõ môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong Chương trình GDPT cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ 3, có sự thay đổi qua các năm, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.

Mặc dù, bỏ đề xuất bốc thăm môn thi vào 10, nhưng việc tìm phương án lựa chọn tối ưu nhất không phải là dễ.

Đánh giá tác động nhiều chiều khi lựa chọn môn thi

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Tạ Việt Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang thông tin, địa phương đang lấy ý kiến khảo sát rộng rãi, đánh giá tác động để tìm ra phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, để có phương án cuối cùng không đơn giản, khi có nhiều đề xuất khác nhau.

“Hiện tại, chúng tôi đã nhận một số đề xuất như thi 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ để phục vụ hội nhập. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, nếu lựa chọn như vậy học sinh sẽ không tập trung học các môn khác, ảnh hưởng đến chất lượng sau này khi vào cấp THPT. Bên cạnh đó, có luồng ý kiến bốc thăm ngẫu nhiên, nhưng nên thông báo sớm không để đến 31/3 mới công bố”, ông Tạ Việt Hùng cho hay.

Thi vào lớp 10: Không bốc thăm, chọn môn thứ 3 thế nào để phân luồng học sinh?- Ảnh 1.

Ông Tạ Việt Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cũng nhận thấy, mặc dù, phương án thi 4 môn như trước kia khiến tăng áp lực cho học sinh. Nhưng, cùng lúc lại giải quyết được 2 bài toán là thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đều là những môn cần thiết, môn còn lại bốc thăm ngẫu nhiên để đảm bảo sự cân bằng về kiến thức.

“Thi 3 môn sẽ giúp giảm áp lực cho học trò, ý kiến của tôi vẫn nên chọn ngẫu nhiên thi Ngoại ngữ hoặc các môn học còn lại, để tránh cho học sinh sao nhãng. Điều này, cũng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trang bị kiến thức cơ bản ở bậc THCS, giúp học sinh phục vụ cuộc sống. Tuy nhiên, với phương án này, phải thông báo sớm hơn để các em chuẩn bị”, ông Hùng bày tỏ.

Về quan điểm của Bộ GD&ĐT các môn thi phải thay đổi qua từng năm, ông Tạ Việt Hùng cho rằng điều này không ảnh hưởng quá lớn đến việc lựa chọn, hay học tập, vì dù thi môn nào, học sinh vẫn phải học tất cả các môn, không thể chọn môn này bỏ môn kia.

Hiện tại, thầy cô và học sinh lớp 9 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn đang ở giai đoạn giảng dạy, đảm bảo các em học đều các môn, cùng với đó tập trung ôn tập chuyên sâu các môn Ngữ văn, Toán.

Thi vào lớp 10: Không bốc thăm, chọn môn thứ 3 thế nào để phân luồng học sinh?- Ảnh 2.

Không dễ để tìm ra phương án thi vào lớp 10 (Ảnh: Trọng Tùng).

Chọn bài thi tổng hợp tạo sự ổn định cho kỳ thi

Dưới góc độ nhà trường, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đinh Đức Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS & THPT FPT Bắc Giang cũng nhận thấy, các Sở GD&ĐT không có nhiều lựa chọn khác, ngoài việc bốc bốc thăm.

Lý giải về quan điểm này, ông Hiền nhận thấy nếu như Sở GD&ĐT các địa phương chủ động hoặc tập trung chọn một môn thi nào đấy thì có thể dẫn sự không công bằng cho các môn học khác.

Cùng với đó, với những năm tiếp theo thì phụ huynh, học sinh hay là các nhà trường đều dễ dàng có thể loại trừ những môn đã thi trước đó, để dự đoán cho bài thi những năm tiếp theo. Ông Đinh Đức Hiền chia sẻ: “Như vậy, tính ngẫu nhiên, công bằng sẽ khó có sự đảm bảo, nên sẽ khó khăn trong việc lựa chọn môn thi thứ 3 như thế nào”.

Về phương án, ông Hiền đề xuất, nên xây dựng một bài thi tổng hợp bao gồm các môn tính điểm số trong Chương trình GDPT như Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh,…Bài thi phải có khả năng đánh giá năng lực học sinh, gồm có các câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực khác nhau, với bài thi này chúng ta ra đề ở mức độ phạm vị rộng, nhưng không đánh đố học sinh.

Thi vào lớp 10: Không bốc thăm, chọn môn thứ 3 thế nào để phân luồng học sinh?- Ảnh 3.

Ông Đinh Đức Hiền cho rằng môn thi thứ 3 nên là một bài thi tổng hợp các môn học.

“Mức độ khó của bài thi thứ 3, có thể tương đương với những cái bài kiểm tra cuối kỳ của học sinh. Nếu như vậy, tôi nghĩ rằng nó sẽ phù hợp hơn, thay vì việc Sở GD&ĐT phải “đau đầu” trong việc là lựa chọn môn như thế nào. Về phía học sinh, nhà trường cũng không còn phải có tâm lý chờ đợi đến cuối tháng 3 mới biết môn thi cuối cùng”, ông Đinh Đức Hiền bày tỏ.

Trước mắt, khi chưa có phương án thi cuối cùng, Phó Hiệu trưởng Trường liên cấp FPT Bắc Giang cho rằng các em học sinh cần nghiêm túc với tất cả các môn học.

Ông Hiền cho hay: “Với 2 bắt buộc là Toán và Ngữ văn, các em vẫn phải tập trung học theo sự hướng dẫn của thầy cô. Đối với các môn thi còn lại, nên có thái độ nghiêm túc, chú trọng ngay từ đầu, trân trọng từng tiết học của tất cả các môn. Chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng, đón nhận sự thay thay đổi. Các em nên hiểu, tất cả các bạn cùng thi, nhưng ai có sự chuẩn bị tốt nhất sẽ là người chiếm ưu thế hơn”.

Theo ông Trần Mạnh Tùng – Giáo viên luyện thi môn Toán tại Hà Nội cho rằng việc bốc thăm môn thi thứ 3 sẽ tạo áp lực, gây căng thẳng không cần thiết cho học sinh trong bối cảnh kỳ thi vào 10 vốn đã căng thẳng tỉ lệ chọi. Đồng thời, phương pháp này cũng không có căn cứ khoa học.

Cùng với đó, nếu bốc thăm số môn thi sẽ nhiều hơn 3 khi, nếu bốc thăm trúng môn Lịch sử và Địa lý thì số môn thi thực thực là 4 bởi đây là môn tích hợp. Hay, bốc thăm trúng Khoa học tự nhiên thì học sinh phải thi 5 môn.

Ở đây, ông Tùng đề xuất thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ bởi đây các môn “xương sống”, cần cho tất cả học sinh, cần cho học ở THPT.

Cũng theo ông Tùng, lo ngại không thi thì không học là không có cơ sở bởi Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi quá trình học cần đáp ứng được các mục tiêu, các yêu cầu về năng lực, phẩm chất, thái độ.

Quá trình học có đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ… việc này tác động ngược lại việc dạy và học.

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source