Thống nhất chủ trương xây nút giao Vành đai 3,5 với cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ

Useful
16/11/24
Lượt xem : 30 view
w cao toc phap van 17316841534451292697605 0 91 963 1632 crop 17316841655381323644195
Rate this post

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội trả lời về việc thỏa thuận giải pháp thiết kế nút giao kết nối Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Theo đó, Bộ GTVT thống nhất về chủ trương việc nghiên cứu xây dựng Nút giao liên thông tại Km185+520 trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ như kiến nghị của UBND TP Hà Nội.

Bộ GTVT khẳng định: Dự án sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông cho tuyến đường Vành đai 3, tăng cường kết nối với cầu Ngọc Hồi và tạo thuận lợi kết nối giao thông liên vùng với các tỉnh phía Đông của Thủ đô Hà Nội.

Thống nhất chủ trương xây nút giao Vành đai 3,5 với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ- Ảnh 1.

Một đoạn cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ

Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan cập nhật và bổ sung nút giao trong Quy hoạch điều chỉnh chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Phối hợp với Cục Đường bộ VN trong quá trình cập nhật xây dựng Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm việc đầu tư nút giao nêu trên phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cho biết cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ hiện tại đang đặt trạm thu phí tại Km188+300 và tại nút giao Tứ Hiệp giao cắt với đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tại Km184+120, Bộ GTVT đề nghị chủ đầu tư thỏa thuận với doanh nghiệp dự án BOT đang quản lý tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ để có giải pháp kỹ thuật, giải pháp thu phí phù hợp, không ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án BOT.

Chủ đầu tư cũng chịu trách nhiệm rà soát, thực hiện đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường Vành đai 3,5 đầu tư bằng ngân sách TP Hà Nội đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Cùng đó, nghiên cứu lựa chọn quy mô mặt cắt ngang, vận tốc thiết kế, bán kính, độ dốc dọc, siêu cao trong các nhánh nút giao, trình Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt phương án tổ chức giao thông phù hợp bảo đảm khả năng thông hành, an toàn trong quá trình khai thác. Nghiên cứu bổ sung giải pháp để phương tiện (xe đạp, xe máy, ô tô con) và người đi bộ có thể lưu thông qua lại 2 tuyến đường gom Pháp Vân – Cầu Giẽ được thuận lợi và an toàn.

Bộ GTVT giao Cục Đường bộ VN, thực hiện chức năng cơ quan quản lý đường bộ và cơ quan có thẩm quyền trong ký kết, thực hiện hợp đồng BOT để phối hợp cùng chủ đầu tư tổ chức thực hiện đảm bảo tuân thủ các quy định trong quản lý, vận hành và bảo vệ tuyến đường bộ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Tuyến đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La – Văn Phú (Hà Đông) đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư trên 8.555 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách TP Hà Nội.

Tổng chiều dài dự án khoảng 10,34km. Điểm đầu tuyến đường tại km0+000 đường Phúc La – Văn Phú (quận Hà Đông) và điểm cuối tại km10+340 cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (địa phận huyện Thanh Trì).

Tuyến đường được đầu tư thiết kế với quy mô đường trục chính đô thị, vận tốc 80km/h, mặt cắt ngang từ 60-80m.

Trên tuyến sẽ có 6 cầu, gồm: Cầu sông Nhuệ, cầu Hòa Bình, cầu Tô Lịch, cầu vượt đường sắt, cầu vượt QL1A và cầu vượt nút giao cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source