Thủ tướng: Chỉ bàn làm, quyết tâm hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL

Useful
16/10/24
Lượt xem : 39 view
46c3b427 312d 4ad5 82cd 708e66ba6c6e 17290692804091172223805 50 0 2030 3168 crop 17290692983321113270969
Rate this post

 Sáng 16/10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. 

Thủ tướng: Chỉ bàn làm, quyết tâm hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Thủ tục cấp mỏ cát sông còn chậm

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng.

Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000km và 2 dự án cầu, đường bộ.

Dự án cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ-Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án thành phần 2 Cao Lãnh-An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và dự án cầu Đại Ngãi (Ban Quản lý dự án 85) hoàn thành năm 2027.

Bộ GTVT cho biết, vấn đề cốt lõi hiện nay phải đảm bảo nguồn vật liệu cho các dự án, nhất là nguồn cát. Đến thời điểm này, các địa phương đã xác định được nguồn cát sông 72,3 triệu m3 trên tổng nhu cầu 65 triệu m3 cho 8/9 dự án đang thực hiện. 

Để đảm bảo nguồn cung, Thủ tướng đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương có nguồn và phải hoàn thành thủ tục để khai thác vào cuối tháng 8/2024. 

Dù các địa phương đã nỗ lực triển khai nhưng do thời gian thực hiện các thủ tục còn kéo dài và công suất khai thác các mỏ còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu thi công.

Địa phương đề xuất được dùng cát biển làm công trình giao thông

Tại hội nghị, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh có hai nguồn cát từ sông và biển. Tỉnh đã khảo sát 8 mỏ cát sông cho dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 16 triệu m3. Nhưng khi làm thủ tục giao cho nhà thầu và khảo sát lại thì trữ lượng không đủ, có 4 mỏ không đủ điều kiện khai thác, hiện chỉ mới giao được 4 mỏ. 

Từ thực tế này, Sóc Trăng đề xuất được điều chuyển 3,6 triệu m3 cát biển đang khai thác cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau để thi công một số đoạn tuyến của dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, đã hoàn thành cấp các mỏ cát cho dự án đường Vành đai 3. Đối với các dự án còn lại, do một số mỏ trước đây được thăm dò để khai thác thương mại nên để cấp theo cơ chế đặc thù cần phải thu hồi các mỏ này nên mất thời gian.

Ông cũng cho biết, Vĩnh Long đang triển khai 90 dự án và thiếu khoảng 2 triệu m3 cát. Trong bối cảnh này, ông Ngời đề xuất được dùng cát biển cho một số công trình trên địa bàn tỉnh.

Về phía An Giang, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngoài các mỏ cát đã cung cấp cho các dự án, tỉnh còn thiếu khoảng 3,5 triệu m3 cát cho dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Tỉnh đang khảo sát 18 khu vực để tìm thêm nguồn cung. 

Thủ tướng: Chỉ bàn làm, quyết tâm hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL- Ảnh 2.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề xuất được sử dụng cát biển cho một số công trình trọng điểm của tỉnh.

Nhiều cơ quan đánh giá cát biển đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, trước khi sử dụng cát biển, Bộ GTVT đã khảo sát và đưa cát biển vào sử dụng thí điểm, phân tích chỉ tiêu cơ lý và xác định đáp ứng được tiêu chuẩn vật liệu xây dựng.

Thủ tướng: Chỉ bàn làm, quyết tâm hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại hội nghị.

“Cát biển từ Sóc Trăng đưa về có độ mặn thấp hơn 5‰, tức thấp hơn rất nhiều đối với môi trường một số đoạn tuyến đang thi công ở Cà Mau, Kiên Giang.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ GTVT đã có ba văn bản gửi các địa phương để hướng dẫn, báo cáo kết quả thí điểm và cách thức tổ chức, kèm theo các tiêu chuẩn sử dụng cát biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản trả lời về tiêu chuẩn độ mặn vật nuôi, cây trồng. Vì thế, địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế các dự án để cân nhắc, sử dụng cát biển, có quy trình thi công nghiêm ngặt để kiểm soát độ mặn.

Đối với cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, các đơn vị thi công vẫn theo dõi chặt chẽ môi trường bên ngoài, không để bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng khẳng định.

Thủ tướng: Chỉ bàn làm, quyết tâm hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL- Ảnh 4.

Thau rửa cát biển trước khi đưa về công trường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ đã có hướng dẫn đối với 27 định mức liên quan đến khai thác, vận chuyển, thi công sử dụng cát biển. Bộ Xây dựng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, thu thập thông tin dữ liệu để làm cơ sở xây dựng định mức đảm bảo các yêu cầu kinh tế, kỹ thuật sau này. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã cùng Bộ GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng hạ tầng giao thông.

Kết quả này đã được thông báo đến các địa phương, có thể sử dụng để làm công trình giao thông, công trình xây dựng để giảm áp lực cho cát sông.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã thẩm định, công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan. Trong đó gồm 1 quy chuẩn, 7 tiêu chuẩn đối với cát thường, 1 tiêu chuẩn cát nhiễm mặn.

Biến khó thành dễ, không thể thành có thể

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện và sớm ban hành Thông báo kết luận hội nghị để thống nhất triển khai.

Thủ tướng: Chỉ bàn làm, quyết tâm hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL- Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thủ tướng nhấn mạnh, đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp 5 lần làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong vùng; nhiều lần kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công.

“Sau thời gian 3 năm từ khi bắt tay nghiên cứu, triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, kết quả bước đầu đến nay cho thấy: Chúng ta đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể; từ chỉ có trong ý tưởng đến có các dự án cụ thể, hiện thực.

Nhiều đoạn tuyến, cây cầu đã hoàn thành; từ không có tiền đến có đủ tiền; từ những cánh đồng lúa bát ngát đến các tuyến cao tốc hiện đại định hình rõ nét, mang lại triển vọng phát triển to lớn cho vùng ĐBSCL”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Với sự quyết liệt của Trung ương và quyết tâm của các địa phương, từ nơi được coi là “vùng trũng” cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã chuyển biến rõ nét.

Đến nay, toàn vùng có 120km đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác; có 428km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và đang phấn đấu để cơ bản hoàn thành năm 2025; có 215km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư (gồm: Đức Hòa-Mỹ An (74km), Mỹ An-Cao Lãnh (26km), Hà Tiên-Rạch Giá (100km), cầu Cần Thơ 2 (15km).

“Việc triển khai các dự án là nhiệm vụ chính trị, là đòi hỏi của trái tim, là trông đợi của nhân dân vùng ĐBSCL”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó, các địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công đã trưởng thành, lớn mạnh hơn, đã làm chủ và triển khai được các dự án quy mô lớn. Đã bố trí được phần lớn nguồn vật liệu san lấp cho các dự án khu vực phía Nam với khoảng trên 37 triệu m3 trong tổng số nhu cầu khoảng 65 triệu m3.

Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đạt tiến độ, trên 90% mặt bằng được bàn giao, nhiều dự án đã hoàn thành 100%. 

Thủ tướng: Chỉ bàn làm, quyết tâm hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL- Ảnh 6.

Công nhân làm việc trên công trường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Hết năm 2025, phải hoàn thành 600km cao tốc cho ĐBSCL 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu đã quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, việc triển khai các dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, như khó khăn về công tác quản lý ở một số địa phương khi lần đầu được giao chủ quản dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, nhất là giải phóng mặt bằng, bảo đảm vật liệu san lấp, đắp nền.

Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ của Thủ tướng Chính phủ là hoàn thành trong tháng 9/2024. Một số dự án khai thác cát lòng sông chưa nhận được đồng thuận cao của người dân.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế là một số địa phương chưa chủ động, chậm triển khai các thủ tục về cấp phép và giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Một số cơ quan quản lý ở địa phương chưa nghiên cứu sâu; tham mưu chưa đúng việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần tăng tốc, bứt phá hơn, mạnh mẽ hơn trong tổ chức thực hiện, với quyết tâm chính trị cao hơn, cách làm khoa học, hiệu quả hơn.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt 3 quan điểm xuyên suốt: Giao thông vận tải phải thông suốt, đi trước mở đường; Chỉ bàn làm, không bàn lùi, bảo đảm đúng và vượt tiến độ các dự án, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí; Bàn để quyết chứ không bàn để đấy, đã bàn, đã quyết là phải làm, đã làm phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Theo Thủ tướng, khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai các các dự án. 

Hưởng ứng thiết thực và thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc”. Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng ĐBSCL và đến năm 2030 có khoảng 1.200km.

Đầu tư hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCLĐầu tư hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, là thách thức lớn với công tác đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Việc có những giải pháp để thích ứng, nâng cao hiệu quả đầu tư là yêu cầu cấp thiết.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source