Hết lo cát đến lo đá dăm
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện và cung ứng nguồn vật liệu (cát, đá) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL.
Theo Thứ trưởng, ĐBSCL đang triển khai 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm. Đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công. Cụ thể: cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh – An Hữu; cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận.
Nhu cầu cát đắp nền cho các dự án giao thông này là 55,5 triệu m3. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đã xác định nguồn cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 63,1 triệu m3.
Nguồn cát này ở An Giang (22 triệu m3), Đồng Tháp (9,3 triệu m3), Vĩnh Long (5 triệu m3), Tiền Giang (9,3 triệu m3), Bến Tre (5,4 triệu m3), Sóc Trăng (12,1 triệu m3 gồm cả 5,5 triệu m3 cát biển).
Như vậy, đến nay cả 5 dự án đã xác định đủ nguồn cung ứng cát. Vấn đề còn lại là cần thực hiện đồng thời, song song các thủ tục để rút ngắn thời gian cấp mỏ cát, nâng công suất các mỏ đá mới đáp ứng được tiến độ đề ra.
Ngoài cát đắp nền, Thứ trưởng cũng cho biết đá dăm cho các dự án trên đang cần khoảng 5,5 triệu m3.
Trong đó, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cần 2,2 triệu m3; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cần 2,2 triệu m3; cao tốc Cao Lãnh – An Hữu cần 0,57 triệu m3; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận cần 0,25 triệu m3.
Đối với dự án Cần Thơ – Cà Mau, từ đây đến cuối năm phải tập kết đủ đá về công trường và địa phương có nguồn đá cũng như điều kiện thuận lợi là An Giang. Công suất của mỏ đá Antraco khai thác hàng năm theo giấy phép là 1,5 triệu m3 và đã hết hạn giấy phép từ tháng 6/2024.
“Các nhà thầu đã chủ động khảo sát và dự kiến sử dụng các mỏ đá ở Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Để đảm bảo vật liệu đá, cần phải nâng công suất 50% từ các mỏ theo cơ chế đặc thù và chỉ cấp cho các dự án này”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm kiến nghị.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị với các tỉnh trong khu vực có nguồn vật liệu đá như Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu rà soát nâng công suất 50% theo cơ chế đặc thù để ưu tiên cấp cho các dự án.
Phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục cho các địa phương thực hiện. Đối với các cơ quan chủ quản dự án phải chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có nguồn vật liệu đá để triển khai các thủ tục, bảo đảm cung ứng đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ thi công.
Tại buổi làm việc, các địa phương có nguồn vật liệu đá cho biết sau khi cân đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn có nhu cầu đá dăm, sẽ sẵn sàng cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết.
Chậm nhất 31/10, toàn bộ cát san lấp phải được đưa về công trường
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao và cảm ơn các địa phương ĐBSCL giai đoạn vừa gia đã phối hợp chặt chẽ với Bộ ngành để giải quyết một trong những vấn đề khó khăn, nan giải ban đầu là giải phóng mặt bằng và nguyên vật liệu cho các dự án.
“Đến thời điểm này, Bộ GTVT rất vui mừng khi vấn đề vật liệu cát đã cơ bản được giải quyết. Dù vậy, vấn đề còn lại là thời gian thi công, khai thác vận chuyển cát san lấp còn không nhiều. Chậm nhất đến 31/10 toàn bộ cát san lấp phải đưa về công trường”, Bộ trưởng nói và cho biết: Thời gian chờ gia tải là từ 10 – 12 tháng. Như vậy với hơn 100km, chỉ có 6 tháng để làm phần mặt, đây là một khối lượng rất lớn.
“Việc điều chuyển cát từ trục ngang sang trục dọc hay nâng công suất, khai thác cát biển đều phải được rốt ráo hoàn tất. Rất mong các địa phương tiếp tục phối hợp, quan tâm tạo điều kiện cho các ban quản lý dự án hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vật liệu đá, Bộ trưởng cho rằng đây cũng là một vật liệu hết sức quan trọng và cần rất sớm. Từ đây, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trong thời gian sớm nhất các địa phương tạo điều kiện về thủ tục liên quan đến vật liệu này.
Về việc đồng bộ của các tuyến cao tốc, Bộ trưởng cho biết vấn đề này Thủ tướng đã có công điện gửi Bộ và các địa phương để chỉ đạo.
“Các tuyến cao tốc khi khánh thành không chỉ kết cấu hạ tầng, mà kèm với đó là hệ thống giao thông thông minh và rất nhiều hệ thống khác đi kèm như hệ thống trạm dừng nghỉ. Vấn đề này Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh thành có cao tốc đi qua để đảm bảo tính đồng bộ và tiến độ hiện nay vẫn kịp cho chúng ta triển khai”, Bộ trưởng cho hay.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng các dự án cao tốc khi triển khai giai đoạn 1, vấn đề đường gom, đường dân sinh là hết sức quan trọng. Thủ tướng luôn chỉ đạo khi người dân có cao tốc thì phải thuận tiện, an toàn hơn và mọi thứ phải tốt lên.
Từ đó, ngay từ lúc chuẩn bị đầu tư, công tác khảo sát đã thực hiện rất kỹ. Cụ thể khi xây dựng tuyến chính phải xây luôn cầu vượt, đường gom, đường dân sinh. Công tác này đều lấy ý kiến địa phương và đặc biệt lấy ý kiến xuống cả cấp xã phường. Dù vậy, một số tuyến cao tốc ở khu vực miền Trung khi khánh thành đã phát sinh nhiều đường gom, đường dân sinh, thậm chí gấp đôi, gấp ba, rất tốn kém.
Từ những kinh nghiệm này, khi triển khai cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đi qua Hậu Giang, lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm và khi phối hợp rà soát thì phát hiện nhu cầu đường gom, dân sinh phát sinh rất nhiều và đã kịp thời có phương án xử lý.
Bày tỏ lo lắng về tiến độ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Bộ trưởng thông tin: Dự án này hiện đang vướng thêm vấn đề khai thác, vận chuyển cát.
Theo Nghị định 23 của Chính phủ, chỉ được khai thác từ 7h – 17h. Tuy nhiên khối lượng của tuyến này trong ba tháng tới rất lớn, một ngày cần khoảng 70.000 – 80.000 khối cát.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiến nghị Thủ tướng ban hành nghị quyết, cho phép khai thác từ 7h – 19h để tạo thêm điều kiện để vận chuyển.
Về ý kiến lo ngại các tuyến cao tốc đang xây dựng trong tương lai sẽ vô tình tạo ra những con đê ngăn nước ở miền Tây, Bộ trưởng cho biết ĐBSCL có mật độ kênh rạch rất lớn, bình quân 1km có một kênh. Do đó, trên tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có 117 kênh và cùng với đó trên tuyến có 117 cây cầu.
“Các cây cầu này đều được thiết kế rộng hơn rất nhiều so với mật độ thoát lũ trước đây. Cụ thể những cây cầu này vốn cao hơn, độ thông thuyền đủ cho tàu thuyền đi qua. Do đó, việc xây dựng cao tốc không những không ảnh hưởng dòng chảy mà còn giúp thông thoáng hơn rất nhiều, đây là dữ liệu khoa học”, Bộ trưởng nói.
Đối với việc sử dụng cát biển để xây cao tốc, Bộ trưởng khẳng định giá cát biển thấp nhất cũng không thấp hơn cát sông. Bởi lẽ, cát biển khai thác xa hơn và vận chuyển tốn kém hơn rất nhiều.
“Về quy trình khai thác, quản lý thì không một hạt cát nào lọt qua được các tỉnh và ban quản lý dự án, Bộ GTVT. Vì hoá đơn xuất ngay tại lúc khai thác và được đối chiếu giữa các bên, ban quản lý dự án cũng căn cứ vào hóa đơn này để tiếp nhận và làm các thủ tục thanh toán sau này.
Và 100% mỏ cát này cấp cho nhà thầu khai thác, không có nhà thầu phụ nào cả”, Bộ trưởng khẳng định.
Đột phá phát triển hạ tầng giao thông
Lắng nghe ý kiến của Bộ ngành, các địa phương, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến trong buổi làm việc. Thủ tướng cho rằng buổi làm việc, thảo luận đã rất là sôi nổi, khách quan, dân chủ, trách nhiệm. Từ ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng nhìn thấy sự tâm huyết với đất nước, với ĐBSCL và trách nhiệm cá nhân trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi người.
Chúc mừng 13 tỉnh ĐBSCL, TP.HCM và các tỉnh miền Đông có liên quan đã phát triển hạ tầng theo đúng ý nghĩa là đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Thủ tướng nói: Đây là tiền đề để chúng ta có thể tự tin hơn triển khai giai đoạn tiếp theo cho ĐBSCL, bao gồm khoảng 600km đường cao tốc. Cùng đó là các dự án đầu tư, nâng cấp sân bay, bến cảng, bến thủy nội địa…
Về vấn đề vật liệu xây dựng cát, đá, Thủ tướng nhấn mạnh: Các địa phương phải chủ động giải quyết, xử lý đúng. Các ban quản lý các dự án cũng phải tham gia với địa phương, nhà thầu để làm sao cho tốt nhất. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ làm ngay.
Về đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tăng thời gian khai thác, vận chuyển cát, Thủ tướng cho biết thậm chí sẽ xem xét để cho thêm nhiều thời gian hơn đề xuất.
Nói thêm về vật liệu xây dựng, Thủ tướng đề nghị các tỉnh miền Đông hỗ trợ các tỉnh miền Tây về đá. Còn các tỉnh miền Tây sẽ hỗ trợ các tỉnh miền Đông về cát, các địa phương có thế mạnh cần chia sẻ với các địa phương khác, sao cho mọi việc cùng tốt lên.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Review menu Kichi Kichi gồm những món gì, có lẩu chay không
- 15 Địa chỉ mua thuốc giảm cân ở đâu chính hãng có tư vấn chất lượng
- Tổng hợp những cách chăm sóc tóc khoẻ bồng bềnh hơn
- Chỉ phát giấy khen cho học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng: Nguy cơ bất bình đẳng trong giáo dục
- Sự trở lại ngoạn mục nhất Hollywood: Lindsay Lohan – nàng công chúa sa ngã sao lại đẹp “ngộp thở” thế này