Thủ tướng: Không để công nhân, nhà thầu cô đơn trên công trường giao thông

Useful
16/12/24
Lượt xem : 30 view
thu tuong pham minh chinh 17342697299651845519198 233 445 1350 2233 crop 1734269756230258150732 jpg
Rate this post

Chiều 15/12, trong chương trình công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình thi công cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ – Cà Mau (cao tốc Cần Thơ – Cà Mau) tại khu vực nút giao IC3, IC4 và IC5 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Tháp tùng Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng: Không để công nhân, nhà thầu cô đơn trên công trường giao thông- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngày 31/12/2025 phải xong cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Quyết liệt đẩy mạnh thi công dự án

Qua thị sát thực tế và nghe các đơn vị báo cáo, Thủ tướng đánh giá, sau chuyến kiểm tra tháng 10/2024 vừa qua, dự án có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn nguyên vật liệu cơ bản được giải quyết, tiến độ trên công trường có chuyển biến. Các địa phương nỗ lực giải quyết khó khăn liên quan nguồn vật liệu. Tuy nhiên, tiến độ của dự án chưa đạt yêu cầu, còn chậm so với kế hoạch.

Đặt mục tiêu dự án phải hoàn thành trong năm 2025, Thủ tướng chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, nhà thầu triển khai nhiều giải pháp rút ngắn tiến độ, làm ngày, làm đêm, chỉ bàn làm, không bàn lùi, quyết liệt đẩy mạnh thi công dự án.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, khởi công tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Đoạn tuyến cao tốc này gồm hai dự án thành phần: Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài hơn 37km. Tổng mức mức tư hơn 10.370 tỷ đồng.

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.

Tiến độ dự án đến nay đạt 55% khối lượng, trong đó tuyến chính đạt 44%, phần cầu đạt 75%.

Trong đó, nghiên cứu thêm phương án tăng tải để rút ngắn thời gian gia tải xử lý nền đất yếu.

Thủ tướng chỉ đạo, phải thay đổi cách thi công mới nhanh được. Chủ đầu tư, nhà thầu, không ngồi chờ. Nhà thầu tăng “3 ca, 4 kíp”, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, thi công xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ. 

Ngày 31/12/2025 phải xong dự án. Mục tiêu đặt ra là phải thông cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn về Hà Nội, vào miền Trung, Cần Thơ đến Cà Mau trong năm 2025.

Đối với nhà thầu chậm tiến độ như Hải Đăng, VNCN, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị có giải pháp quyết liệt thi công bù đắp khối lượng. Trường hợp vẫn không tiến triển, Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư có biện pháp xử lý, cần thiết thì cắt giảm khối lượng chuyển sang cho đơn vị khác thi công.

Về phía địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải huy động cả hệ thống vào cuộc. Các cấp ủy, chính quyền, toàn dân cùng tham gia dự án với tinh thần không để công nhân, nhà thầu cô đơn trên công trường.

Thủ tướng: Không để công nhân, nhà thầu cô đơn trên công trường giao thông- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tư vấn, nhà thầu nghiên cứu giải pháp tăng gia tải, rút ngắn thời gian gia tải xử lý nền đất yếu.

Về nguồn vật liệu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát Luật Khoáng sản mới. Từ đó, hướng dẫn An Giang thực hiện thủ tục liên quan cấp phép khai thác mỏ đá Antraco, cung ứng cho dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

“Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương, phải xác định rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ thời gian, trách nhiệm, thời gian giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc liên quan. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền… Đối với An Giang, hết tháng 12/2024, tỉnh phải xử lý dứt điểm, cấp phép khai thác đối với mỏ đá này”, Thủ tướng chỉ đạo.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp tỉnh Cà Mau nghiên cứu, thiết kế, khảo sát triển khai 80km cao tốc còn lại từ Cà Mau đến Đất Mũi.

Đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất khai thác các mỏ

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh báo cáo Thủ tướng, ĐBSCL đang triển khai những dự án cao tốc gồm: Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau (thuộc cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; Cao Lãnh – Lộ Tẻ; Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; Cao Lãnh – An Hữu; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; giai đoạn 2026-2030 triển khai thêm cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu. Tổng chiều dài các dự án khoảng 1.200km.

Thủ tướng: Không để công nhân, nhà thầu cô đơn trên công trường giao thông- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, sẽ chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn nghiên cứu giải pháp tăng gia tải phù hợp, rút ngắn thời gian chờ lún đối với cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, trong số 1.200km nêu trên, năm 2025 hoàn thành 325km, đến 2027 hoàn thành thêm 550km, phần còn lại xong trong năm 2030. Riêng đoạn từ Cà Mau đến Đất Mũi dài 80km, tỉnh Cà Mau kiến nghị được triển khai đầu tư để phát huy cảng nước sâu Hòn Khoai.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, một trong những dự án trọng điểm quốc gia, phải hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ đầu tư, tiến độ dự án còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là khó khăn về nguồn vật liệu.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã kiểm tra, họp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đáp ứng tiến độ thi công. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc trong thủ tục cấp mỏ vật liệu. Bộ trưởng Bộ GTVT kiến nghị thành phố Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ di dời 200m mặt bằng còn vướng ở tuyến nối và bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 12/2024.

Thủ tướng: Không để công nhân, nhà thầu cô đơn trên công trường giao thông- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính tình hình thi công các dự án cao tốc tại khu vực ĐBSCL.

Về nguồn vật liệu, dự án thiếu 3,39 triệu m3 để hoàn thành công tác gia tải nền đường. Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long khẩn trương đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất khai thác các mỏ để cung ứng cho dự án theo chỉ tiêu được giao, hoàn thành trong tháng 12/2024.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tỉnh An Giang sớm hoàn tất thủ tục để khai thác trở lại mỏ đá Antraco, ưu tiên cung ứng cho dự án.

“Đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, các nhà thầu nghiên cứu giải pháp tăng gia tải phù hợp để rút ngắn thời gian chờ lún. Đồng thời, các đơn vị chủ động đầy đủ máy móc thiết bị, nhân, vật lực, tổ chức thi công bù lại tiến độ chậm trễ”, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị.

Thủ tướng: Không để công nhân, nhà thầu cô đơn trên công trường giao thông- Ảnh 5.

Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đã đạt 55% khối lượng.

Còn khó khăn về nguồn vật liệu

Báo cáo thêm với Thủ tướng, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận nói, nhu cầu vật liệu đắp cao tốc Cần Thơ – Cà Mau khoảng 18,6 triệu m3. Trong đó, năm 2024 là 15,2 triệu m3, đến nay huy động được 11,73 triệu m3. Trong đó, cát sông 10,93 triệu m3, cát biển 0,8 triệu m3. Khối lượng còn lại cần huy động 6,87 triệu m3.

Mặc dù trữ lượng cát được cấp cho dự án tương đối lớn, do hạn chế về công suất theo đánh giá tác động môi trường, công suất khai thác ngày chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ. Về vật liệu đá, nhu cầu cần khoảng 2,2 triệu m3, đã huy động về dự án khoảng 0,4 triệu m3.

Để dự án hoàn thành cuối năm 2025, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh An Giang sớm cho khai thác trở lại dự án nạo vét sông Vàm Nao trong tháng 12/2024, xem xét thực hiện thủ tục để khai thác lại trong tháng 1/2025.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp rà soát, bổ sung những nguồn khác để bù khối lượng còn thiếu. Trước ngày 20/12/2024, tỉnh Vĩnh Long chấp thuận nâng công suất khai thác từ 1.250m3/ngày lên 1.666m3/ngày. Tỉnh Tiền Giang sớm phê duyệt mỏ cát trữ lượng 0,6 triệu m3…

Thủ tướng: Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ kéo dài tới Cà MauThủ tướng: Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ kéo dài tới Cà Mau

Tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các cơ quan đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ kéo dài tới Cà Mau.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source