Ban Quản lý dự án 7 (thuộc Bộ GTVT) vừa có công văn gửi UBND TP.HCM và Sở GTVT về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương và đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận. Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), không có vốn ngân sách Nhà nước tham gia.
Đây là dự án có tổng chiều dài khoảng 91km, điểm đầu tại nút giao Chợ Đệm (địa phận TP.HCM) và điểm cuối tại nút giao An Thái Trung (địa phận tỉnh Tiền Giang). (Trong ảnh là nút giao Chợ Đệm – điểm đầu của dự án tại huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Về quy mô, đoạn từ TP.HCM (bao gồm nút giao Chợ Đệm) đến Trung Lương được nâng cấp lên 8 làn xe hoàn chỉnh, hai làn dừng khẩn cấp (trong đó có khoảng 1,2km đi qua địa phận TP.HCM); đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (nút giao An Thái Trung) có quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, hai làn dừng khẩn cấp.
Dự kiến, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 32.270 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn năm 2024 – 2028. Nhà đầu tư đề xuất dự án là liên doanh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM – Công ty Cổ phần Tasco. (Trong ảnh, trạm thu phí Chợ Đệm có quy mô 12 làn xe (hiện đã ngừng thu phí), phía sau là cao tốc TP.HCM – Trung Lương với quy mô 4 làn xe).
Đặc biệt, hai tuyến đường Tân Tạo – Chợ Đệm, Bình Thuận – Chợ Đệm (đường nối lên cao tốc TP.HCM – Trung Lương) được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc kết nối TP.HCM với cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận. Hai tuyến đường này do TP.HCM quản lý, khai thác.
Theo quy định của pháp luật, hai tuyến đường nói trên không thuộc phạm vi đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương thức PPP. Do đó, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị TP.HCM xem xét, mở rộng hai tuyến đường lên 8 làn xe bằng phương án đầu tư phù hợp nhằm đồng bộ với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận trong giai đoạn 2024-2028.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ IV cho biết, quá trình quản lý tuyến cao tốc cho thấy, tuyến TP.HCM – Trung Lương hiện đã quá tải. Hiện nay, lưu lượng xe đi trên cao tốc dao động từ 48.000 – 50.000 xe, đặc biệt, gần như tất cả xe trên QL1 đều dồn về cao tốc.
Theo ông Thành, chính vì quá tải nên tốc độ di chuyển trên cao tốc khá thấp, trung bình khoảng 61km/h, không phát huy được năng lực của cao tốc. Do đó, việc nâng cấp mở rộng là rất cần thiết, cấp bách.
Ông Ngô Văn Long, tài xế xe tải chở hàng từ Tiền Giang về TP.HCM cho biết, ông thường xuyên đi về trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương và cũng chứng kiến cảnh kẹt xe, ùn ứ liên tục. Theo ông, do nhu cầu đi cao tốc nhiều, nhưng đường chỉ có hai làn xe nên không đáp ứng nổi.
“Đi cao tốc là để đi nhanh hơn, tiết kiệm thời gian, tiền bạc hơn… nhưng thực tế lại khác. Nếu mở rộng được cao tốc thì tốt quá, chứ như hiện nay, nhiều lúc muốn được chạy đúng tốc độ cho phép cũng không được, vì kẹt xe”, ông Long nói.
Với nhu cầu giao thông hiện tại, việc mở rộng cao tốc cũng như đường dẫn sẽ giúp đồng bộ hạ tầng, tăng khả năng lưu thông, phát triển kinh tế TP.HCM và khu vực.
Được biết, sau khi có ý kiến các đơn vị liên quan, Ban Quản lý dự án 7 hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận; đồng thời, thực hiện các bước tiếp theo.
Hơn 32.000 tỷ mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận
Ban Quản lý dự án 7 đề xuất mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM – Trung Lương lên 8 làn xe, đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận lên 6 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng.