Loạt dự án “đắp chiếu, phơi sương”
Những năm gần đây, TP.HCM như một đại công trường với hàng loạt các dự án lớn nhỏ được thi công. Trong đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm có sứ mệnh thay đổi diện mạo đô thị và giảm áp lực giao thông cho thành phố.
Ở phía Đông TP.HCM, loạt dự án như đường Lương Định Của, Vành đai 2 TP.HCM, dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc, ga Bình Triệu… chưa biết khi nào hoàn thành.
Dự án mở rộng đường Lương Định Của (TP Thủ Đức, TP.HCM) là một trong những tuyến đường huyết mạch kết nối cửa ngõ phía Đông TP.HCM.
Từ năm 2015, dự án được khởi công xây dựng nhưng phải tạm dừng nhiều lần. Đến nay, sau gần một thập kỷ, tuyến đường này vẫn đang ngổn ngang, nhiều đoạn thi công dang dở ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.
Theo chủ đầu tư, nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đoạn từ nút giao An Phú đến đường Nguyễn Hoàng đang vướng khoảng 22.000m2 đất chồng ranh với dự án Khu đô thị Phát triển An Phú, do Công ty Cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư.
Với dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (TP.Thủ Đức), chủ trương đầu tư đã có từ năm 1994 với tổng vốn dự kiến gần 15.000 tỷ đồng. Dự án kỳ vọng trở thành công trình thể thao đạt chuẩn Olympic. Tuy nhiên, sau ba thập kỷ, đến nay dự án vẫn là khu đất trống, cỏ mọc um tùm, chưa được triển khai.
Một dự án nhức nhối khác là đường Vành đai 2 TP.HCM. Đây là dự án đã được quy hoạch cách đây hơn 15 năm với tổng chiều dài khoảng 64km. Dù đã hoàn thành được 50km, nhưng nhiều năm qua, 14km còn lại vẫn chưa thể triển khai tiếp, bao gồm đoạn qua TP Thủ Đức và huyện Bình Tân.
Trong đó, Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đã được khởi công nhiều năm, đầu tư theo hình thức BT. Những vướng mắc trong thủ tục thanh toán với nhà đầu tư khiến dự án dừng thi công nhiều năm.
Hay tại phía Nam TP.HCM, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM với tổng mức đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành đến 90% vẫn rơi vào cảnh phơi nắng, phơi mưa, chưa biết ngày cán đích.
Dự án này được khởi công từ giữa năm 2016 với mục đích kiểm soát ngập do triều cường; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, dự án chưa hoàn thành. Nguyên nhân cũng vì những vướng mắc trong thủ tục thanh toán với nhà đầu tư.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ không chống được sự bào mòn của thời gian. Ảnh: Chí Hùng
Các dự án khác trong hoàn cảnh tương tự như đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương; dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, kênh Đôi, kênh Hy Vọng… và một loạt dự án bất động sản, chung cư cao tầng, nhà ở xã hội trên địa bàn TP cũng đang ì ạch, thậm chí dẫm chân tại chỗ.
Xử lý vướng mắc trong tháng 12
Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị rà soát, xác định rõ trách nhiệm nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, cơ quan đơn vị thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Đối với những nội dung công việc thuộc thẩm quyền, chủ động có giải pháp xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, đồng thời bố trí, huy động các nguồn lực để triển khai nhanh các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, chậm tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả mục tiêu dự án.
Bố trí sử dụng hiệu quả các công trình công sở, trụ sở trên địa bàn, nhất là đối với các công trình công sở, trụ sở sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Đối với nội dung vượt thẩm quyền, khẩn trương rà soát, báo cáo rõ nội dung vướng mắc về cơ chế chính sách, về quy định pháp luật; đề xuất giải pháp xử lý, cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND TP và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo kịp thời.
Ông Mãi đặc biệt yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực; thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy…
Lãnh đạo TP yêu cầu đến 25/11, sẽ phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối xử lý vướng mắc. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý vướng mắc trong tháng 12.
Tổ công tác do ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM làm tổ trưởng; bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ phó thường trực; ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM làm tổ phó.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Hướng dẫn cách sử dụng máy Yaman HRF 10T massage da mặt hiệu quả
- Toyota Innova 2024: Lột xác mạnh mẽ, chinh phục mọi hành trình
- Valentine 2022 là ngày bao nhiêu âm?
- “Dưới bóng con hầu”: Tình địch của Thơm (Nhật Kim Anh) xuất hiện, nhìn nhan sắc không phải dạng vừa
- Hoài Lâm hiện tại: Có tháng kiếm 700 triệu đồng, đổi nghệ danh Hoài Linh đặt, sống hướng Phật