Đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhận lực cho đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần lượng lớn lao động có tay nghề trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật,…Tuy nhiên, trên thực tế, các trường cao đẳng hiện nay lại không được phát huy hết giá trị của mình. Để duy trì hoạt động đã là rất khó khăn chứ chưa kể đến là đầu tư, xây dựng, nâng cao năng lực đào tạo.
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp.
Từ năm 2017 các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Việc bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ GD&ĐT sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là một trong nhiều lý do tạo ra nhiều khó khăn cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Bị “trói” bởi nhiều quy định đan xen
Trải qua thời gian dịch Covid-19 việc tuyển sinh ngành du lịch khối cao đẳng đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trịnh Cao Khải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết hạn chế tuyển sinh đến từ nhiều lý do.
Theo Luật Giáo dục 2019, cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;
Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Ông Trịnh Cao Khải đánh giá: “Với nhóm giáo dục đại học hiện nay đang rất thuận lợi, khi tâm lý xã hội vẫn còn “chuộng” bằng cấp. Có khoảng 65-70% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đi học đại học”.
Số 30-35% còn lại sẽ lựa chọn nhóm các trường cao đẳng, trung cấp công lập và cao đẳng, trung cấp dân lập.
Theo ông Khải những trường cao đẳng công lập thì hiện nay vẫn phải tuân thủ triệt để tất cả quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính, quy định của Bộ Nội vụ, quy định của Bộ chuyên ngành, của Bộ chủ quản, của địa phương.
“Việc có quá nhiều quy định đan xen khiến cho ảnh hưởng một phần đến sự linh hoạt của các trường cao đẳng công lập, điều này ngược lại với các trường cao đẳng dân lập có sự năng động hơn rất nhiều.
Do đó phần 30 – 35% là 2 bên chia nhau một bên thì chậm chạp, bị bó cứng còn một bên lại linh hoạt, chủ động. Vì vậy các trường cao đẳng công lập chỉ có khoảng gần 15% số lượng tuyển sinh”, ông Trịnh Cao Khải cho hay.
Việc khối cao đẳng hiện nay không còn dưới sự quản lý của Bộ GD&ĐT càng tạo thêm rào cản, đứt gãy trong hệ thống giáo dục, cảm giác bị bỏ rơi là điều không thể trách khỏi đối với các trường cao đẳng hiện nay.
Ông Trịnh Cao Khải chia sẻ: “Đơn cử nhất là dữ liệu tuyển sinh hiện nay. Vì là Bộ GD&ĐT quản lý tất cả hệ thống phổ thông và quản lý giáo dục đại học, điều này khiến thuận lợi hơn trong việc có được dự liệu cần thiết phục cho hoạt động tuyển sinh.
Còn khối cao đẳng phải tự đến từng trường để thông tin đến học sinh, như vậy rất khó có thể tiếp cận hết, điều này khiến chúng tôi có cảm thấy không được ủng hộ, hỗ trợ”.
Chưa kể đến việc “nở” ra của hệ thống đại học trong những năm gần đây càng khiến cho khối cao đẳng cả trong trong và ngoài công lập thì đều rất áp lực.
Ngoài bài toán chung, riêng với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội còn gặp khó khăn riêng với xu hướng đào tạo đa ngành như hiện nay khiến cho ngành Du lịch được mở ra ở rất nhiều trường đại học.
Chưa kể đến tâm lý người học có phần e ngại sau khi chứng kiến làn sóng dịch chuyển lao động của ngành du lịch trong thời gian dịch Covid-19.
“Từ sau dịch chúng tôi tuyển sinh là đều đuối chỉ tuyển được khoảng 70% so với trước kia và khó đạt được 100% chỉ tiêu”, ông Trịnh Cao Khải chia sẻ.
Trước những khó khăn, các trường đều phải tự tìm giải pháp cho mình.
“Mặc dù khó khăn nhưng chúng tôi có niềm tin về khả năng đào tạo của nhà trường, ngành du lịch cần nhân lực có nhiều kỹ năng đây cũng là thế mạnh của các trường cao đẳng.
Vì vậy nhà trường tập trung duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo để một lúc nào đấy khi sinh viên tham gia vào thị trường lao động hiểu được sự cần thiết của kỹ năng từ đó thông tin nên chọn trường nào để học”, ông Khải cho hay.
Sinh viên có quá nhiều sự lựa chọn hấp dẫn
Cũng gặp những khó khăn trên, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ – Công nghệ và Truyền thông càng gặp nhiều hạn chế hơn khi năm học này mới bắt đầu quay trở lại tuyển sinh.
Ông Nguyễn Đức Tiến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Ngoại ngữ – Công nghệ và Truyền thông (NCT College) chia sẻ: “Khối cao đẳng cho đến nay vẫn là sự lựa chọn thứ hai so với các trường đại học, thực tế sinh viên sẽ ưu tiên các trường đại học lớn trước tiên, nếu các em đủ điểm chuẩn. Ngoài ra, rất nhiều các trường tư thục mở ra và đầu tư tốt về cơ sở vật chất từ đó sinh viên cũng có thêm sự lựa chọn cho sinh viên”.
Việc trở thành sự lựa chọn thứ hai khiến cho các trường cao đẳng phải kéo dài thời gian nhập học, có những ngành phải kéo dài cả tháng mới có thể đủ lớp khai giảng. Ông Nguyễn Đức Tiến chia sẻ thêm: “Theo quy định một lớp là 35 sinh viên nhưng với một số ngành ít người đăng ký thì bắt buộc phải kéo dài thêm thời gian để tuyển sinh cho đủ lớp. Nếu ít quá sẽ rất khó cho công tác tổ chức và quản lý sinh viên”.
Ngoài ra cũng có thêm trường hợp ngay cả khi xác nhận nhập học rồi, các em vẫn có thể quyết định nghỉ không theo học nữa. Điều này không hiếm xảy ra trước sự cạnh tranh giữa nhiều trường, trung tâm du học, xuất khẩu lao động sẵn sàng chi trả rất nhiều ưu đãi học phí cho sinh viên.
Đứng trước tình hình đó nếu không có định hướng rõ ràng các em có thể dễ dàng quyết định sang học tại một cơ sở đào tạo khác. Hoặc có thể đổi hướng đi xuất khẩu lao động hay làm việc tại các khu công nghiệp bởi các khu công nghiệp hiện nay chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp THPT thì các bạn đã có việc làm với mức thu nhập ổn định. Nếu không có giải pháp, định hướng lộ trình học tốt thì các bạn sẽ lựa chọn việc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT.
Để tạo thuận lợi cho người học sớm tham gia thị trường lao động với vốn kiến thức vững chắc trong tay, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ – Công nghệ và Truyền thông đã thiết kế chương trình học rút ngắn thời gian và học theo tín chỉ. Vì vậy việc đào tạo sẽ diễn ra khoảng hai đến hai năm rưỡi tùy từng ngành học.
“Chúng tôi cũng tăng cường triển khai các công tác đầu ra cho sinh viên, nhà trường tăng cường đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các em thực tập sớm tại các công ty, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Điều này cũng giúp cho các bạn được làm việc đúng chuyên môn và có thu nhập tốt” thầy Hiệu trường chia sẻ.
Cùng với đó, nhà trường cũng tổ chức thêm các lớp kỹ năng cho sinh viên để các em rèn luyện và trau dồi các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học hoặc học thêm các lớp nghiệp vụ sư phạm nếu các bạn có nhu cầu. Điều này, giúp sinh viên khi ra trường sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm, cũng như được đánh giá cao trong mắt các nhà tuyển dụng.
Bên cạnh, việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường vẫn duy trì và ổn định mức học phí trong khoảng 1.300.000/tháng thấp hơn so với các trường cao đẳng khác nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các em học sinh và phụ huynh.
(Còn tiếp)
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS. Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, sự thiếu gắn kết giữa hệ thống cao đẳng và đại học là nguyên nhân chính dẫn tới các trường cao đẳng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn tuyển sinh, hạn chế liên thông giữa các trình độ.
Ngoài ra, các trường cao đẳng công lập đang trong xu thế sắp xếp giảm đầu mối, giải thể hoặc rơi vào tình trạng bế tắc.
“Điều này là lãng phí khi cao đẳng đóng vai trò rất tốt trong đào tạo tay nghề người lao động. Thậm chí, thời gian qua Bộ GD&ĐT có đề xuất tuyển giáo viên hệ cao đẳng nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Nhưng không tuyển sinh được thì làm sao đào tạo. Có sự mâu thuẫn ngay chính trong Bộ GD&ĐT”, ông Trần Xuân Nhĩ cho hay.
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- 5 cách làm mặt nạ khoai tây giúp da sạch mụn, sáng mịn
- Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sắp được “bơm” thêm 6.300 tỷ đồng
- Top 4 mẫu nail 20-10 xinh tươi dành cho các chị em trong ngày women’s day
- 30 món ngon từ bắp cải chay mặn dễ làm, giúp tăng miễn dịch, tốt cho tim
- Điểm danh 20 quán buffet mở xuyên Tết tại HN, TPHCM phục vụ người dân chơi Tết