Tuyển sinh khối cao đẳng – Bài 2: Phải nâng sự hài lòng của doanh nghiệp và người học

Useful
26/09/24
Lượt xem : 43 view
thi vao 10 nguoiduatinvn 48 17232748115421402239649 116 0 1195 2060 crop 1724939230348937798630
Rate this post

Thiếu thống nhất trong quản lý

Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp nói chung, hệ thống cao đẳng nói riêng là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo.

Giúp người học có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

  • Tuyển sinh khối cao đẳng – Bài 1: Khó khăn chồng chất khó khăn

Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu, TS. Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng sự phân chia loại hình đào tạo cao đẳng hiện nay đang phần nào đang gây ra những cản trở đối với người học, hạn chế cơ hội liên thông, dưới góc độ quản lý lại rơi vào tình trạng thiếu thống nhất trong cùng một lĩnh vực.

“Việc thay đổi cơ chế quản lý đối với giáo dục nghề nghiệp khiến người học không được hưởng sự đãi ngộ như là đối với những sinh viên có trình độ đại học. Chưa kể đến, việc học liên thông từ cao đẳng lên đại học rất khó khăn do cấu trúc thường trình khác nhau, kèm theo điều kiện đầu vào điều này càng làm cản trở khi chọn học cao đẳng”, ông Khuyến bày tỏ.

Tuyển sinh khối cao đẳng - Bài 2: Phải nâng sự hài lòng của doanh nghiệp và người học- Ảnh 1.

TS.Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Ngoài ra, hệ thống hiện nay không có trung học nghề khiến cho các trường trung cấp, cao đẳng bi đánh giá thấp hơn, điều này ảnh hưởng đến cái cái chất lượng của đội ngũ lao động.

Với nhiều lý do tác động khiến cho xu hướng học sinh không thích học cái cao đẳng, trong khi theo chuyên gia hệ thống cao đẳng đích thực là rất quan trọng.

Ông Khuyến cho rằng tỉ lệ lý tưởng nhất một phần vào THPT thì có 2 phần vào trung học nghề. Nhưng để làm được điều đó, thì cần tạo điều kiện sao cho người học trung học nghề vừa có thể gia nhập thị trường lao động; lựa chọn thứ hai là họ có thể phát triển học lên cao đẳng, đại học.

“Như vậy, hệ thống sẽ hài hòa và người học khi thấy được lộ trình phát triển, họ tự giác đăng ký vào học”, TS. Lê Viết Khuyến cho hay.

Tuyển sinh khối cao đẳng - Bài 2: Phải nâng sự hài lòng của doanh nghiệp và người học- Ảnh 2.

Hệ cao đẳng trang bị nhiều kỹ năng cho người lao động (Ảnh: Hữu Thắng).

Còn TS. Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc thiếu điều phối chung dẫn đến lượng học sinh theo khối nghề giảm, do không ai chịu trách nhiệm dẫn đến bất cập cơ cấu nguồn nhân lực, tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

“Đây là câu chuyện quy hoạch mang tính quốc gia trong khi hiện nay Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động Thương Binh và xã hội mỗi người một mảng khiến tạo ra độ vênh, không ăn nhập với nhau”, ông Vinh đánh giá.

Ngoài ra, chưa kể đến chất lượng đào tạo nghề hiện này vẫn chỉ tập trung tại một số cơ sở vẫn chưa đồng đều.

Tự tìm giải pháp cho chính mình

Trước những vướng mắc như hiện nay, trước khi có những giải pháp đồng bộ, các trường cao đẳng hiện nay cũng phải chủ động tìm ra những lối đi mới.

  • Dạy thêm, học thêm: Quy định thôi chưa đủ, cần cái tâm của người thầy

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết đã thực hiện nhiều phương án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Về công tác tuyển sinh, thực hiện song song cả tư vấn hướng nghiệp trực tiếp và phần mềm tư vấn tuyển sinh trực tuyến để học sinh dễ dàng tiếp cận.

“Xây dựng thương hiệu là cách bền vững nhất để thu hút học sinh. Thương hiệu đến từ sự đánh giá của người học và xã hội. Hàng năm phải nâng được sự hài lòng của doanh nghiệp và người học. Tỉ lệ học thất nghiệp phải bằng không, lương cao… chỉ cần làm được điều này thì hoạt động tuyển sinh sẽ đạt hiệu quả”, ông Ngọc nói.

Tuyển sinh khối cao đẳng - Bài 2: Phải nâng sự hài lòng của doanh nghiệp và người học- Ảnh 3.

Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Ngoài ra, cũng cần tư vấn kỹ lưỡng cho thí sinh về lựa chọn ngành nghề và mục tiêu học tập, hỗ trợ đăng ký nhu cầu việc làm trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp.

“Việc thiết lập liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và tập đoàn trong nước và quốc tế, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên. Việc tạo được thu nhập ổn định cho các em là chìa khóa để sinh viên lựa chọn”, ông Ngọc bày tỏ.

Cùng với đó, để thu hút thí sinh vào học cao đẳng, các trường không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng đào tạo mà còn cần sự thay đổi nhận thức từ xã hội về giáo dục nghề nghiệp.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Phó Tổng Cục trưởng Đỗ Năng Khánh cho biết: trong năm 2023, công tác tuyển sinh của ước đạt 2.295.000 người (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1.765.000 người.

Đây là kết quả có tín hiệu tích cực, thực hiện việc phân luồng tốt hơn, đặc biệt là tuyển sinh được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm mũi nhọn.

Về mạng lưới cơ sở GDNN, hiện nay, cả nước có 1.886 cơ sở GDNN gồm: 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm GDNN. Tổng số cơ sở GDNN ngoài công lập là 684 cơ sở (chiếm 36,2%). So với thời điểm ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương, cả nước đã giảm được 181 cơ sở GDNN công lập (giảm 14%).

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source