Vì sao giải phóng mặt bằng cầu Thới Lai bị chậm?

Useful
02/10/24
Lượt xem : 64 view
1 1727825388839969931160 124 0 924 1280 crop 17278254563561970501079
Rate this post

Bàn giao mặt bằng chậm

Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Thới Lai, TP Cần Thơ vừa có báo cáo gửi UBND huyện Thới Lai về tiến độ dự án nâng tĩnh không cầu ở Cần Thơ.

Trong báo cáo, Ban Quản lý dự án cho biết, trong số 5 cầu thuộc dự án, cầu Thới Lai (mới) vẫn chưa bàn giao mặt bằng. 

Trong tổng số 89 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích 1,31ha, hiện đã chi trả cho hai hộ theo quyết định phê duyệt tạm 6,93 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng đang hoàn chỉnh phương án bồi hoàn, trình phê duyệt 42 hộ và lập hồ sơ ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc một hộ, để hoàn tất phương án bồi hoàn cho tất cả các hộ ảnh hưởng.

Vì sao giải phóng mặt bằng cầu Thới Lai bị chậm?- Ảnh 1.

Cầu Thới Lai cũ. Còn cầu Thới Lai mới hiện vẫn chờ mặt bằng thi công.

Trong khi đó, anh Nguyễn Trung K – người dân bị ảnh hưởng dự án cho biết: “Tôi có căn nhà với hơn 100m2 đất dính vào dự án. Với mức bồi hoàn đất ở gần 1,35 triệu đồng/m2 và 310.000 đồng/m2 đất vườn, tôi không phản đối gì, chỉ chờ chi trả tiền đền bù”.

Theo ông Nguyễn Vũ Linh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Thới Lai, việc huyện chưa có khu tái định cư tập trung cũng khiến cơ quan chức năng gặp khó. 

Do đó, thời gian qua, các hộ dân bị ảnh hưởng dự án cầu Thới Lai mới đều được vận động nhận tiền để tái định cư với mức giá tạm tính là 1,7 triệu đồng/m2.

Đây cũng là khó khăn khiến tốc độ giải phóng mặt bằng cầu Thới Lai thời gian qua còn chậm, do một số hộ chờ giá tái định cư phân tán chính thức. Bởi mốc thời gian gần nhất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công là ngày 15/9 vừa qua.

“Về đơn giá bồi thường, thấp nhất là đất cây lâu năm (khu vực này không có đất lúa) với giá 310.000 đồng/m2. Đối với đất thổ cư, khu vực cao nhất được bồi thường đến khoảng 16,5 triệu đồng/m2 (nằm mặt tiền đường Thới Lai- Trường Xuân). Người dân đồng thuận khung giá này…”, ông Linh nói.

Chậm nhất ngày 15/10 phải giao mặt bằng

Trước đó, ngày 17/8, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ, các sở ngành liên quan về tiến độ Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia – giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Cần Thơ có 5 cầu nằm trong dự án gồm: cầu Ô Môn, Thới Lai, Đông Bình, Đông Thuận và Vàm Xáng – Thị Đội thuộc gói thầu XL02 với tổng giá trị hợp đồng gần 400 tỷ đồng, tổng sản lượng thi công ước đạt trên 3,8%.

Vì sao giải phóng mặt bằng cầu Thới Lai bị chậm?- Ảnh 2.

Khu vực giải tỏa để xây cầu Thới Lai mới.

Dự án đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn, đến hết năm 2025 nếu dự án không xong, đồng nghĩa không giải ngân được sẽ không còn tiền thực hiện.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, các dự án rất cần mặt bằng nhanh để có đủ thời gian thi công, do đó phải chốt được thời hạn bàn giao mặt bằng.

Mới đây, UBND TP Cần Thơ cũng đã có văn bản, yêu cầu UBND huyện Thới Lai phải xúc tiến, bàn giao mặt bằng cầu Thới Lai chậm nhất vào ngày 15/10.

Theo ông Vũ Linh, ngoài một hộ chờ kiểm đếm bắt buộc, tổng số tiền cần thiết để đền bù giải tỏa cho dự án cầu Thới Lai mới khoảng 36,7 tỷ đồng (đã chi 6,93 tỷ đồng).

Trong vài ngày tới, chủ đầu tư chuyển thêm tiền, và huyện sẽ đẩy nhanh tốc độ chi trả cho người dân, phấn đấu hoàn thành việc giao mặt bằng cầu Thới Lai đúng thời hạn.

“Nếu chủ đầu tư chuyển tiền sớm, chúng tôi chi trả và sẽ giao mặt bằng ngay”, ông Huỳnh Thanh Phường, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Lai cho biết.

Ngoài cầu Thới Lai, huyện này còn cầu Đông Thuận (cần hơn 0,94 ha đất) và cầu Đông Bình (gần 0,63 ha) nằm trong Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa Quốc gia – giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Theo ông Phường, hiện việc đo đạc, kiểm đếm… để giải phóng mặt bằng hai cầu này đã hoàn tất, đang triển khai phương án bồi thường, tái định cư. Huyện cũng đã chi trả gần 9 tỷ đồng cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ hai cầu này…

Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa Quốc gia – giai đoạn 1 (khu vực phía Nam) đầu tư xây dựng 11 cầu; trong đó xây mới 9 cầu, cải tạo một cầu, tháo dỡ một cầu trên địa bàn tỉnh Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và Vĩnh Long.

Tổng mức đầu tư các cầu này khoảng 2.155 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 1/2024 do Ban quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source