Nhiều vị trí mất ATGT trên tuyến
Trong 2 ngày 8 và 9/7, PV Báo Giao thông trở lại tuyến đường cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang – Xín Mần có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 41km, điểm đầu nối với QL2 thuộc địa phận xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, điểm cuối tuyến tại Km41 thuộc xã Nậm Dịch với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Clip tỉnh lộ 1.500 tỷ đồng ở Hà Giang do phóng viên Báo Giao thông ghi nhận ngày 8 và 9/7.
Theo ghi nhận PV tại các vị trí: Km 2+800; Km 12+00; Km 12+849,48 Km 12+864,67; Km 17+400; Km 25+858 Km 25+ 908; Km 30+300; Km 31+312; Km 31+839; Km 33+642; Km 34+035; Km 38+691 bị sạt lở. Đặc biệt mặt đường phía ta luy âm đoạn từ Km 12+253,30 – Km 12+290,80 hình thành vết nứt rất lớn, nguy cơ sạt lở mất 1/3 nền, mặt đường; Km 32+339,89 đến cọc Km 32+360,79 nứt mặt đường đã rải thảm bê tông nhựa.
Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, chiều rộng nền đường là 7,5m do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công ngày 26/4/2022, hoàn thành 26/6/2024. Dự án được chia làm 3 gói thầu gồm số 9, 10 và 11.
Tại lý trình từ Km 00+00 đến Km17 rẽ vào xã Trung Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, PV phải mất gần 1 giờ di chuyển.
Nguyên nhân chủ yếu trên tuyến đường đang bị sụt, sạt ta luy ở các đoạn Km 2+200, Km 3+870, Km 5+660, Km 9+169, Km 26+297 (thuộc gói thầu số 9 do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 – Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp An Đông – Công ty TNHH Huy Hoàn thi công xây lắp).
Tại lý trình Km 31+500 đến Km 31+800 bị sụt sạt với số lượng lớn của gói thầu số 11 do Liên danh Công ty TNHH 307 Hà Giang – Công ty TNHH Thống Nhất – Công ty TNHH Hiệp Phú thi công xây lắp đoạn từ Km 29+00 – Km 41+494,81. Giá trị xây lắp gần 474 tỷ đồng.
Theo ghi nhận của PV toàn tuyến đường trong quá trình thi công dự án hầu hết các nhà thầu đều không cắm cọc tiêu, căng dây phản quang cảnh báo những điểm ta luy âm nguy hiểm và bổ sung biển báo giao thông để đảm bảo an toàn giao thông nhưng điểm có nguy cơ sụt sạt do mưa bão.
Anh Triệu Tuấn Phú (trú tại thôn Tân Minh, xã Nậm Tỵ, huyện Hoàng su Phì) tham gia giao thông trên tuyến TL 177 chia sẻ: “Vết nứt tại mặt đường tại Km32, mới xảy ra cách đây ít hôm khiến người dân chúng tôi lưu thông qua đoạn tuyến nơm nớp lo sợ.
Ngoài ra, những điểm đang thi công không được trang bị hệ thống dây và không có đèn cảnh báo vào ban đêm khiến người dân đi lại rất khó khăn”.
Đơn cử sáng 8/7, tại vị trí Km 31+500 đến Km 31+800 tuyến TL177 thuộc địa phận xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, do mưa lớn trong nhiều giờ, đã bị sạt lở ta luy dương vùi lấp 1 xe bán tải BKS 23C-072.xx, song tài xế lái xe kịp thoát ra ngoài.
Tiếp đến vào khoảng 15h20 chiều 8/7, cũng tại Km36, bất ngờ sạt lở hàng trăm m3 đất đá đã vùi lấp hai người đi đường, tuy nhiên một người may mắn thoát nạn còn một người tử vong. Nạn nhân tử vong là Xìn Dỉ B (SN 1976), trú tại thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì.
Ông Nguyễn Thế Soạn, Chủ tịch UBND xã Nậm Tỵ, huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Hiện, đơn vị thi công chỉ cắm biển cảnh báo về nguy cơ sạt sụt, nhưng do không có người phân luồng đảm bảo ATGT nên đã xảy ra chết người”.
PV Báo Giao thông đã trao đổi với ông Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý dự án và Tư vấn giám sát, thuộc Ban quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh Hà Giang cho biết : “Nhà thầu đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm, tuy nhiên nạn nhân đã không tuân thủ biển báo nguy hiểm và cố tình đi qua khu vực dẫn đến tai nạn thương vong.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn về phía chủ đầu tư đã huy động, nhân lực máy móc cứu hộ, cứu nạn, nạn nhân và dọn dẹp điểm sụt sạt để thông xe. Tuy nhiên, với khối lượng đất đá sụt trượt lớn, nếu thời tiết thuận lợi dự kiến sẽ thông xe trước 19h ngày 11/7”.
Trễ hẹn do thiếu vốn và thiên tai
Dự án cải tạo TL 177 có mức đầu tư 1.500 tỷ đồng được khởi công 26/4/2022, hoàn thành theo hợp đồng 26/6/2024. Dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 31/12/2024.
Nguyên nhân tuyến đường chậm tiến độ do đi qua khu vực có địa hình là vực sâu, vách cao, độ dốc ngang lớn, địa chất phức tạp dễ sạt lở; nhiều đoạn trắc ngang thiết kế giật nhiều cấp, nền mặt đường hiện hữu nhỏ hẹp, lưu lượng tham gia giao thông lớn, dự án vừa khai thác, vừa thi công mất rất nhiều thời gian đảm bảo giao thông.
Do mùa mưa năm 2022, 2023 và năm 2024 tại địa bàn thi công dự án có mưa nhiều, lượng mưa lớn, thời gian mưa kéo dài gây sạt lở mái ta luy nhiều vị trí trên tuyến đường; khối lượng đất đá sạt trượt rất lớn, nhiều vị trí sạt phải khoan, nổ phá đá.
Tính đến hết năm 2023, tổng các lần sạt sụt của dự án 14 vụ, giá trị khoảng 22 tỷ đồng, chi phí hót sạt, dọn dẹp hiện trường vượt quá chi phí thuộc phạm vi bảo hiểm công trình.
Lý giải về việc chậm tiến độ ông Vương Quốc Bình, đại diện Gói thầu số 9 (Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp An Đông) thi công TL 177 cho biết: “Do thời tiết mưa nhiều kèm theo địa chất của tuyến đường là đất pha cát nên rất dễ xảy ra sạt sụt trượt ta luy kèm theo chủ đầu tư chưa bố trí được nguồn vốn kịp thời để tiếp tục thi công. Một số đoạn đơn vị đã rải đá cấp phối nhưng do thời tiết mưa liên tục khoảng 3 tháng nay chưa thể thảm bê tông nhựa”.
Theo thống kê sơ bộ tính đến 12h ngày 10/7, toàn tuyến TL 177 đã xảy ra 64 điểm sạt lở, và 10 điểm ách tắc cục bộ về giao thông. Tại nhiều vị trí trên toàn tuyến bị sạt lở nghiêm trọng mái taluy dương xuống nền, mặt đường với khối lượng đất, đá lớn.
Đại diện chủ đầu tư ông Đặng Minh Tuấn (Trưởng phòng QLDA và Tư vấn giám sát thuộc Ban QLDA các Công trình giao thông tỉnh Hà Giang) cho biết: “Dự án chậm nguyên nhân chính là do nguồn vốn cấp cho dự án chưa đáp ứng theo được tiến độ yêu cầu.
Thêm vào đó là những sự cố bất khả kháng do thiên tai và địa chất, địa hình dự án, gây sạt sụt và phát sinh nhiều chi phí nằm ngoài hồ sơ thiết kế”.
“Trước tình hình trên, chủ đầu tư đã cập nhật thường xuyên và báo cáo các bên liên quan, đơn vị tư vấn giám sát cũng thường xuyên lên hiện trường. Phía chủ đầu tư cũng luôn đôn đốc các đơn vị xây lắp cố gắng thực hiện theo hợp đồng đã ký kết và đảm bảo giao thông đối với những vị trí sạt lở”, ông Tuấn cho biết thêm.
Về tiến độ dự án, ông Tuấn chia sẻ: “Theo tiến độ thực hiện dự án hoàn thành đến ngày 26/6/2024, hiện dự án còn thiếu gần 384 tỷ đồng để thực hiện bởi năm 2024 chưa được bố trí vốn. Nếu được bố trí đủ vốn sớm trong tháng 6/2024 và không bị ảnh hưởng do thiên tai, dự án sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến trong tháng 9/2024.
Trước mắt, dự án được nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đoạn từ Km 3+00 – Km 7+00 trong tháng 6/2024”, ông Tuấn cho biết thêm.
>> Một số hình ảnh do PV Báo Giao thông ghi nhận:
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Mùng 5 Tết có nên ra đường, kiêng kỵ gì để không gặp vận xui đầu năm
- Sữa Rửa Mặt Dịu Nhẹ Cho Mọi Loại Da
- Tạm Biệt Đôi Mắt Thâm Cùng Kem Mắt Eucerin Anti-Age
- Mỹ nhân Hoa ngữ tự thêm cảnh để được “nựng” bạn diễn
- Ứng dụng BIM, tối ưu tiến độ cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn