Vì sao tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ chậm tiến độ?

Useful
23/09/24
Lượt xem : 53 view
inshot20240812133557138 17234446791461256167647 0 197 1439 2499 crop 17234448554611530351374
Rate this post

Điều kiện thi công khó khăn

Điều kiện thi công khó khăn là trở ngại lớn nhất ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án này.

Vì sao tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ chậm tiến độ?- Ảnh 1.

Tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch thi công.

Anh Phạm Văn Nghĩa, kỹ sư công trường, Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn cho biết, nhà thầu được giao thực hiện 6km đường gom.

“Hiện tại, trên công trường, công ty bố trí 15 công nhân thi công cống và đào khuôn đường. Từ khi dự án bắt đầu, công ty đã triển khai thực hiện ngay nhưng đến nay, tiến độ mới đạt khoảng 3%”, anh Nghĩa nói.

“Nhà thầu được giao thực hiện thi công đường gom hai bên tuyến chính. Trong khi, mỗi nút giao qua lại có chiều dài khoảng 8km. Do vậy, phương tiện, thiết bị và công nhân muốn qua phía bên kia đường phải đi vòng, mất nhiều thời gian di chuyển”, anh Nghĩa cho biết thêm.

Vì sao tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ chậm tiến độ?- Ảnh 2.

Điều kiện làm việc của nhà thầu tại tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ gặp nhiều khó khăn.

Còn tại gói thầu do Công ty CP Đầu tư – Xây dựng – Thương mại Trường Thành phụ trách thi công, anh Trương Văn Thắng, cán bộ kỹ thuật cho biết, vị trí do công ty thực hiện là nút giao giữa tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi nên áp lực phương tiện giao thông rất đông.

“Chỗ này xe di chuyển qua lại rất nhiều, đặc biệt là các xe tải có tải trọng lớn và xe khách nhiều chỗ ngồi. Trong khi, phương tiện, máy móc chuyên dụng dùng để thi công cũng lớn nên việc vận hành gặp nhiều trở ngại.

Ngoài yếu tố khách quan, điều kiện thời tiết gần đây mưa nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công dự án có phần chậm hơn so với kế hoạch đề ra”, anh Thắng cho biết thêm.

“Thời điểm này, miền Tây đang vào mùa mưa, ảnh hưởng nhiều đến việc thi công. Ví dụ như, công ty đang tổ chức cho công nhân thi công một cái cống nhưng hơn 10 ngày vẫn chưa xong.

Vì khi đang làm, trời mưa, công nhân phải cho hút nước ra, rồi mới làm tiếp. Nhiều khi việc hút nước cũng mất cả ngày…”, anh Thắng chia sẻ.

Chờ cát về để tăng tốc

Gói thầu do Công ty CP Đầu tư – Xây dựng – Thương mại Trường Thành thi công có chiều dài 2km. Nhà thầu được giao thực hiện đường gom hai bên cầu Vàm Cống.

Ngoài ra, công ty cũng thực hiện nút giao mở rộng hai bên, mỗi bên 250m và thi công 7 cây cầu. Hiện tại, công ty tổ chức cho công nhân thực hiện các phần việc như đóng cọc, đào khuôn đường và đập phá các cống cũ để làm cống mới.

Vì sao tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ chậm tiến độ?- Ảnh 3.

Nhà thầu sẽ tăng thêm 30% máy móc, thiết bị về công trường để tăng tốc thi công khi có cát.

Để có thể làm được các phần việc liên quan đến công việc được phân công, nhà thầu đã mua 700m3 cát để làm đường công vụ, vận chuyển máy móc, thiết bị đến những vị trí cần thiết nhằm tổ chức thi công.

Với phần việc sẽ thực hiện, nhà thầu cần 78.000m3 cát. Tuy nhiên, ngoài số lượng cát đã mua, công ty vẫn còn đang đợi được phân bổ đủ số lượng theo quy định để tăng tốc thi công.

“Công ty đang bố trí 15 công nhân cùng 8 thiết bị máy móc và tổ chức thi công từ 7 – 17h cùng ngày.

Việc thi công đường gom theo thiết kế không cần phải gia tải. Do vậy, đợi khi có cát về công trường, công ty sẽ cho tăng thêm 30% nhân lực, thiết bị và tăng thêm thời gian làm việc để đẩy nhanh tiến độ dự án”, anh Thắng cho biết.

Vì sao tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ chậm tiến độ?- Ảnh 4.

Nhà thầu đang rất nỗ lực để thi công bù tiến độ tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ.

Anh Mai Khắc Quyết, cán bộ quản lý, Công ty CP Tổng công ty Xây dựng Nghệ An (nhà thầu thi công) cho biết, gói thầu do công ty phụ trách được chia thành hai hạng mục.

Trong đó, tuyến chính dài 11km, nhà thầu thực hiện việc thảm nhựa mới mặt đường. Riêng về đường gom, công ty phụ trách thi công từ Km 26+00 – Km 40+500.

“Phía bên phải tuyến chính, nhà thầu thi công ba đoạn, phía trên trái nhà thầu thi công hai đoạn. Tổng nhu cầu cát được dùng để thi công là 200.000m3, nhưng đến nay, nhà thầu vẫn chưa nhận được cát về công trường”, anh Quyết nói.

Anh Quyết cho biết thêm, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đã được tỉnh Đồng Tháp cấp mỏ cát phục vụ thi công tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ. Nhưng sau khi các đơn vị liên quan thực hiện khoan thì mỏ này không có cát.

Do vậy, chủ đầu tư cũng đang đề nghị tỉnh Đồng Tháp cấp mỏ cát mới. Theo tính toán của Công ty CP Tổng công ty Xây dựng Nghệ An, tháng 11 tới có cát về công trường, việc thi công dự án sẽ rất thuận lợi.

“Để đảm bảo cho việc thi công, trong tuần này, nhà thầu cũng đã cho tập kết đá cấp phối về công trường.

Riêng về phần thảm nhựa mặt đường, dự kiến tháng 10 tới, công ty sẽ cho thực hiện để bù tiến độ vì việc thảm nhựa tuyến chính chiếm tới 50% sản lượng công việc do Công ty CP Tổng công ty Xây dựng Nghệ An thực hiện”, anh Quyết thông tin.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, Ban đã chỉ đạo các nhà thầu khắc phục khó khăn, tăng cường nhân lực, thiết bị để tăng tốc thi công các công việc không phải chờ cát đắp như phần cầu, cống ngang và chuẩn bị thi công thảm bê tông nhựa mặt đường khi thời tiết thuận lợi để bù lại tiến độ phần nền đường.

Tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ có điểm đầu tại tại nút giao An Bình, thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (khoảng Km 26+00 theo lý trình quốc lộ N2B) và điểm cuối kết nối với tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, thuộc địa phận thành phố Cần Thơ (khoảng Km 54+844 theo lý trình quốc lộ N2B).
Quy mô đầu tư gồm thảm bê tông nhựa mặt đường tuyến chính và xây dựng hệ thống đường gom dọc tuyến, bố trí hệ thống hàng rào và hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 28,8km, với tổng mức đầu tư khoảng 950 tỷ đồng.

———————

Nguồn baogiaothong.vn:Source