Vị thế của người thầy trong kỷ nguyên mới

Useful
20/11/24
Lượt xem : 25 view
gd3 17074471817351478551507 17319906851312127487005 80 0 1127 2000 crop 1731990959852198353305
Rate this post

Bất kỳ một nền giáo dục nào, muốn phát triển bền vững, toàn diện, lâu dài, trước hết phải quan tâm đến xây dựng đội ngũ giáo viên. Có thể nói, nhà giáo là yếu tố cốt lõi của quá trình giáo dục. Điều này càng đúng hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hiện nay, khi sự biến đổi nhanh chóng, không ngừng của công nghệ, khoa học và kỹ thuật đang len lỏi vào từng bài giảng, trang sách.

Muốn “trồng” được nhưng trái ngọt, quả thơm cho đất nước, trước tiên phải vun đắp lực lượng nòng cốt vững chắc. Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kỳ vọng rằng luật Nhà giáo sẽ đáp ứng yêu cầu mới.

Chờ đợi 10 năm để hiện thực hóa kỳ vọng

NĐT: Thưa Bộ trưởng, ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay có ý nghĩa thật đặc biệt, khi dự án luật Nhà giáo vừa chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Nếu được thực thi, dự án luật sẽ tác động không nhỏ đến 1,6 triệu nhà giáo. Xin Bộ trưởng có thể chia sẻ về những điểm đáng chú ý của dự thảo luật lần này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Thực tế đã chứng minh, sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo.

Kết quả của đổi mới giáo dục phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo. Như vậy, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc nhiều vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân mỗi thầy cô giáo thì môi trường làm việc, các chính sách đối với nhà giáo đóng vai trò quan trọng.

  • Làm giáo dục chân chính, đúng đạo lý là điều không dễ dàng

Đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng cơ sở pháp lý cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đảm bảo sự bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập

Dự án luật cũng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn theo yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Một điểm đáng chú ý khác là dự án luật quy định yêu cầu thực hành sư phạm trong tuyển dụng nhà giáo nhằm lựa chọn người có đủ năng lực gắn với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng hoạt động nghề nghiệp nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo.

Vị thế của người thầy trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Thầy cô được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, trong dự luật tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

NĐT: Đây có lẽ không phải lần đầu tiên, đề xuất lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất, trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Trước đó, nội dung này đã được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW và mới đây được nhắc lại trong Kết luận 91-KL/TW. Đến nay, sau 10 năm, điều này vẫn là nỗi mong mỏi, chờ đợi của đội ngũ nhà giáo. Thưa Bộ trưởng, sau khi được đưa vào dự thảo luật, đề xuất này có được thực hiện?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, là ưu tiên chiến lược. Trong suốt thời gian vừa qua, dù đã có những thay đổi nhưng cơ bản chúng ta chưa thực hiện được nhiều về mặt chính sách tiền lương cho nhà giáo, bởi thực sự vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Có thể thấy, nhà giáo chiếm số lượng đông đảo, với trên 1 triệu người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Cho nên dẫu thực sự quan tâm, nhưng để hiện thực hóa sự quan tâm này, còn phải cân đối nguồn ngân sách nhà nước có thể chi trả.

Vị thế của người thầy trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong chuyến thăm học sinh và giáo viên Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Đắk Lắk.

Đất nước ta đến nay cũng mới thoát nghèo chưa lâu, nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước còn rất nhiều và người lao động nhìn chung còn nhiều khó khăn chứ không chỉ riêng đội ngũ nhà giáo. Cho nên, tuy đã có một định hướng rất rõ ràng, nhưng để thực hiện được sẽ phải cần thêm những tính toán phù hợp về nguồn lực.

Khi đưa đề xuất về chính sách tiền lương vào dự thảo luật Nhà giáo, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh lại, đây là việc cần thiết và cần tính toán. Ở góc độ nào đó, cũng cần nhìn nhận, trong thời gian vừa rồi, dù chưa thực hiện được nhiều, song với hai đợt điều chỉnh mức lương cơ sở, đời sống của đội ngũ nhà giáo cũng đã được cải thiện một bước, đem lại cho nhà giáo nhiều sự động viên.

NĐT: Trong nhiều lần phát biểu, Bộ trưởng chia sẻ: “Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả 2 điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người đi kiến nghị, đề xuất”.

Với dự thảo luật lần này, ngành giáo dục đã được giao quyền chủ động tuyển dụng giáo viên. Sự thay đổi mô hình quản lý như vậy, sẽ giải quyết những bài toán về nhân lực của ngành ra sao, thưa ông?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Quản lý Nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, phát triển nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu.

Trong tổng thể đó, chúng ta cần một khung pháp lý chuyên biệt phù hợp. Trong đó nhà giáo, cả công lập và ngoài công lập, thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường phát triển của mình, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội.

Có thể nói, Luật Nhà giáo chính là cơ hội để chúng ta điều chỉnh quan điểm, tư duy trong quản lý Nhà nước về nhà giáo. Luật Nhà giáo cần phải thể hiện được sự đổi mới hoàn thiện thể chế trong quản lý nhà nước về nhà giáo, chuyển trọng tâm từ quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực.

Vị thế của người thầy trong kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng cô trò của tỉnh Đắk Nông.

Điểm khác biệt cơ bản của quản trị nguồn nhân lực so với quản lý nhân sự như hiện nay là nhà giáo được nhìn nhận như một nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của giáo dục.

Nguồn lực này bao gồm những nhà chuyên nghiệp trong nghề dạy học, được đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ theo một hệ thống các quy định do ngành giáo dục thực hiện, nhằm bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo với mục tiêu và yêu cầu phát triển của giáo dục.

Việc chuyển tư duy quản lý Nhà nước về nhà giáo sang mô hình quản trị nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi giáo dục đứng trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý Nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành giáo dục và được phân cấp cụ thể từ Bộ tới Sở, Phòng và các cơ sở giáo dục. Định hướng xây dựng luật sẽ gia tăng yếu tố chuyên môn, lấy yếu tố chất lượng trong cả việc đào tạo và tuyển dụng nhà giáo.

Tôi nhấn mạnh đến yếu tố chuyên môn và chất lượng trong công tác quản lý nhà giáo vì chính yếu tố này sẽ đảm bảo cho yếu tố quản lý Nhà nước có được sự đổi mới trong cả khối công và khối tư. Luật cũng sẽ hướng dẫn quản lý thống nhất, thông suốt trong toàn hệ thống với sự phân cấp rõ ràng nhưng đảm bảo được việc tuyển dụng, điều động, hoán đổi, sử dụng nhịp nhàng, thống nhất trong toàn quốc.

Chúng tôi mong rằng, việc quản lý Nhà nước về nhà giáo được xây dựng trên yếu tố chuyên môn và chất lượng như vậy sẽ hướng đến việc quản lý chặt chẽ hơn, thực chất hơn và nhà giáo cảm thấy thoải mái hơn, tự do hơn trong hoạt động nghề nghiệp và có nhiều điều kiện để phát triển bản thân, đóng góp với nghề.

Vị thế của người thầy trong kỷ nguyên mới- Ảnh 4.

Nhiều thay đổi lớn đối với giáo viên khi luật Nhà giáo được thực thi (Ảnh Hữu Thắng).

Cần một căn cứ pháp lý cho nghề giáo

NĐT: Là một nghề nghiệp đặc biệt, sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là tương lai của dân tộc. Điều này cho thấy, vai trò của giáo viên là không hề nhỏ. Vậy, chúng ta cần có giải pháp như thế nào, để vị thế nhà giáo ngày càng được nâng tầm trong bối cảnh hiện nay?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Phải khẳng định lực lượng nhà giáo luôn rất yêu nghề và rất mong muốn được xã hội chia sẻ, ghi nhận, để thể hiện tốt nhất bản thân, cống hiến cho nghề nghiệp và có cơ hội để thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp của mình.

Thời gian qua, luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học đã tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng để quản trị ngành, đổi mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, với tính chất là một lực lượng viên chức, người lao động rất đặc biệt, thì cũng cần thêm những cơ sở pháp lý để những sự ghi nhận, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của nhà giáo được thể chế hóa.

Với dự án luật Nhà giáo đang được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 này, chúng tôi mong rằng, với các chính sách được đề cập trong luật, khi được thông qua, được thực thi trong thực tế, sẽ là công cụ quan trọng để phát triển lực lượng nhà giáo.

Sở dĩ trong 10 năm qua, vấn đề lương cho giáo viên chưa được thực hiện như mong muốn, một phần cũng chính vì còn thiếu những căn cứ pháp lý. Tôi hy vọng luật Nhà giáo sẽ giải quyết được những vấn đề về căn cứ pháp lý cho đổi mới về quản lý nhà giáo, cho những sự khẳng định, những thể hiện về mặt chuyên môn và cả chế độ chính sách cho nhà giáo. Điều này sẽ góp phần quan trọng để khẳng định và giữ vững vị thế, nâng cao vị trí của nhà giáo trong xã hội.

Vị thế của người thầy trong kỷ nguyên mới- Ảnh 5.

Luật Nhà giáo phải giúp thầy cô yên tâm bám nghề trong bối cảnh mới.

NĐT: Nhân ngày hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng muốn gửi gắm điều gì tới đội ngũ giáo viên, cũng như cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhân ngày tri ân những cống hiến của người thầy, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT và với tư cách cá nhân, tôi xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể các cô giáo, thầy giáo, các nhà quản lý, những người đã và đang làm việc trong ngành giáo dục.

Tôi muốn bày tỏ niềm tự hào về những nỗ lực, cống hiến của các thầy, các cô. Các thầy cô rất giỏi chuyên môn, rất tận tụy với nghề, đã làm việc với tất cả sức lực, trí tuệ, chuyên môn và tình cảm của mình dành cho người học.

Kết quả tích cực của ngành giáo dục trong những năm qua có sự đóng góp to lớn của các thầy, các cô. Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn, niềm tự hào và xin ghi nhận công sức của tất cả các thầy cô.

Tôi cũng mong rằng, thầy cô sẽ tiếp tục thể hiện sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm để thể hiện mình nhiều hơn nữa, nhân lên nhiều hơn nữa những điều tốt đẹp, và như vậy xã hội sẽ ghi nhận chúng ta nhiều hơn.

Chúc tất cả các nhà giáo ngày 20/11 thật vui tươi, hạnh phúc và vững vàng trong thời gian tới.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source