Hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giai đoạn 2018-2024 đã được tổ chức vào 12/12.
Báo cáo đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, lần đầu tiên sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa. Tính đến nay có 7 nhà xuất bản và 12 công ty cổ phần tham gia biên soạn và liên kết biên soạn sách giáo khoa.
Công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thu hút được số lượng tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đông đảo, tổng số 2656 tác giả. Cơ cấu đội ngũ tác giả đa dạng gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa góp phần phát huy được trí tuệ của thầy cô giáo.
Tác giả biên soạn sách giáo khoa công tác ở các vùng miền khác nhau, các bộ sách giáo khoa được biên soạn với cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với đặc điểm giáo dục của từng vùng miền, sát với thực tế giảng dạy của các địa phương trong điều kiện cùng một chương trình giáo dục phổ thông.
Công tác xã hội hóa trong khâu tổ chức dạy thực nghiệm của các tổ chức biên soạn sách giáo khoa được đánh giá thành công, việc phối hợp giữa các Sở GD&ĐT và các tổ chức biên soạn sách giáo khoa tốt, diện thực nghiệm bảo đảm độ phủ kín các vùng miền khác nhau trên cả nước.
Việc biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa đã bảo đảm các môn học, hoạt động giáo dục đều có sách giáo khoa được biên soạn theo hình thức xã hội hóa, môn học có ít nhất là 1 sách giáo khoa, môn học có nhiều nhất là 10 sách giáo khoa, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước.
Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ quy định tại các thông tư, tôn trọng và phát huy trí tuệ giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và điều kiện tổ chức giảng dạy tại địa phương.
Đồng thời, sự cạnh tranh góp phần thúc đẩy các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, qua đó làm cho chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt hơn, giúp hạ giá thành sách giáo khoa. Các nhà xuất bản cũng có các chương trình tặng sách giáo khoa, tặng tủ sách dùng chung giúp giảm bớt khó khăn đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Từ thực tiễn triển khai công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa trong thời gian qua, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các nhà xuất bản đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức triển khai, những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ và đề xuất các giải pháp để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Một trong những đánh giá được nhiều các Sở GD&ĐT, nhà xuất bản nhấn mạnh, đó là công tác chỉ đạo sâu sát, kịp thời, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT với một công việc “mới, khó, phức tạp” trong giai đoạn vừa qua. “Xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, cần tiếp tục thực hiện” cũng được khẳng định trong nhiều ý kiến.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ tác giả, cũng như công tác thẩm định chặt chẽ trong biên soạn sách giáo khoa, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã huy động gần 1000 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa với những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm, các giảng viên đại học, nhà khoa học, giáo viên.
Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT và các đơn vị chức năng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành 2 bộ sách, với 485 đầu sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt.
Đánh giá cao sự chủ động và trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường chia sẻ, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể qua các văn bản chi tiết với cơ sở, rõ ràng chức năng nhiệm vụ từ Bộ, đến UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục, các nhà xuất bản, để các đơn vị dễ dàng trong triển khai thực hiện.
“Bộ GD&ĐT đã kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong quá thực hiện. Việc phê duyệt và công bố danh mục sách giáo khoa được cải thiện kịp thời hơn. Tổ chức giới thiệu sách của các nhà xuất bản cũng kịp thời và có chất lượng hơn… thể hiện sự sâu sát của Bộ GD&ĐT trong việc lắng nghe cơ sở cũng như dư luận xã hội về vấn đề này”, Giám đốc Sở GDĐT Quảng Nam nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Trong thời gian qua, với sự quyết tâm rất lớn, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, các chủ thể tham gia như cán bộ quản lý, thầy cô giáo, nhà xuất bản… đã hoàn thành tốt công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa – một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm.
Quá trình thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã thu hút được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia biên soạn. Tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa tăng cả về số lượng và chất lượng. Số lượng tác giả có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên chiếm gần 3/4 tổng số tác giả.
“Đặc biệt, lần đầu tiên việc biên soạn sách giáo khoa đã thu hút được đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông tham gia biên soạn. Đây cũng là một cơ hội để nâng tầm đội ngũ giáo viên phổ thông”, Thú trưởng nói.
Các bộ sách giáo khoa được lựa chọn phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục. Công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được những hiệu quả cả về mặt chuyên môn, hiệu quả về kinh tế và hiệu quả xã hội, nhận được sự đồng tình rất cao. Nâng cao nhận thức về công tác biên soạn sách giáo khoa, không chỉ trong ngành giáo dục, mà còn cho toàn xã hội.… cũng là những kết quả quan trọng được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận.
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam với gần 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản sách giáo khoa, hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 2 trong số 3 bộ sách giáo khoa biên soạn theo CTGDPT 2018, là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, gồm đầy đủ sách của các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12. Các bộ sách của nhà xuất bản được đa số các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc sử dụng và đánh giá cao.
Đây là minh chứng cho thấy Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào sự thành công của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
————————-
Nguồn nguoiduatin.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Tp.Buôn Ma Thuột yêu cầu xử lý vụ 79 học sinh bị “quên” mua bảo hiểm y tế
- Sử dụng nước xịt khoáng cho da mặt sao cho đúng
- Hàng nghìn người đứng dưới ban công nhà Tuấn Hưng gần Hồ Gươm
- Hướng dẫn xin job offer dễ dàng, nhanh chóng
- Đồn đoán về gia thế của Miss International 2024 Huỳnh Thị Thanh Thủy được làm sáng tỏ chỉ qua 1 câu nói