Rút ngắn nửa năm nhờ chuyển đổi giải pháp
Bước sang tháng 11, công trường gói thầu XL02 dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Vũng Áng – Bùng tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Đảm nhận thi công gần 25km tuyến chính tại gói thầu, ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, sản lượng của nhà thầu đạt 73% giá trị hợp đồng, vượt khoảng 2% so với kế hoạch.
“Đáng mừng là công tác xử lý nền đất yếu trong phạm vi Phương Thành đảm nhận (khoảng 5km) đang diễn ra thuận lợi”, ông Nhận nói và cho biết, theo kế hoạch ban đầu, xử lý đất yếu bằng bấc thấm là giải pháp được lựa chọn.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT về rút ngắn tiến độ, đưa dự án về đích sớm dịp 30/4/2025, Phương Thành đã cùng tư vấn nghiên cứu, đề xuất chủ đầu tư chuyển đổi giải pháp cọc xi măng đất trên khoảng 1,5km. Phương án này dù phát sinh hơn 30 tỷ đồng, nhưng giúp rút ngắn thời gian khoảng 6 tháng.
Tại dự án cao tốc đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng, ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc điều hành dự án cho biết, trên tổng chiều dài hơn 54km, phạm vi phải xử lý nền đất yếu khoảng hơn 10km. Trong đó, phần phải gia tải chờ lún là 4,1km.
Theo kế hoạch ban đầu, thời gian gia tải đối với các đoạn gia tải hai giai đoạn là 270 ngày. Thời điểm kết thúc muộn nhất là 15/3/2024.
Đứng trước yêu cầu đưa dự án về đích dịp 30/4/2025, trước 6 tháng so với kế hoạch, Ban QLDA Thăng Long đã chỉ đạo nhà thầu ưu tiên thi công trước phần xử lý đất yếu, tính toán các điều kiện nhằm rút ngắn thời gian gia tải… Tổng thời gian rút ngắn khoảng gần 1,5 tháng.
Tiến độ chững vì mặt bằng, vật liệu
Là dự án trong kế hoạch về đích sớm trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, song thời gian xử lý nền đất yếu đoạn Chí Thạnh – Vân Phong lại không thể tối ưu bởi nút thắt mặt bằng, vật liệu.
Đại diện Ban QLDA 7 cho biết, theo thiết kế, chiều dài phải xử lý đất yếu tại dự án là 17/48km. Trong đó, gần 2km bằng trụ đất xi măng; hơn 13km bằng bấc thấm và hơn 1,6km giếng cát kết hợp đắp đất gia tải hai giai đoạn.
Dự kiến trong năm 2023, UBND tỉnh Phú Yên cấp phép 3 mỏ cát, 5 mỏ đất, các nhà thầu sẽ khai thác thi công trước các đoạn xử lý nền đất yếu, hoàn thành công tác đắp gia tải vào cuối tháng 6/2024. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục kéo dài, đến tháng 4/2024, mỏ đất đầu tiên mới khai thác và mỏ cuối cùng được cấp phép vào tháng 7/2024.
Ngoài ra, có 3 vị trí vướng hệ thống điện cao thế, đến tháng 10/2024 mới hoàn thành di dời. Tiến độ thi công xử lý nền đất yếu bị chậm.
Đáp ứng thời gian về đích sớm, Ban QLDA 7 và các tư vấn thiết kế đã nghiên cứu hàng loạt giải pháp như: Trụ đất xi măng thay thế cho bấc thấm, giếng cát tại 3 vị trí vướng hệ thống điện cao thế.
Một số đoạn đóng vai trò quyết định tiến độ thì bổ sung vải địa kỹ thuật cường độ cao để tăng cường độ ổn định nền đường, đắp gia tải để rút ngắn thời gian.
Dự kiến cuối tháng 1/2025, công tác dỡ tải sẽ được triển khai để chuyển sang thi công kết cấu áo đường. Các đoạn tuyến còn lại sẽ hoàn thành công tác đắp đất gia tải giai đoạn 2 trước 30/12/2024 và dự kiến dỡ tải vào đầu tháng 5/2025.
“Do mỏ vật liệu đất được phép khai thác chậm nên thời gian xử lý nền đất yếu không rút ngắn được so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, chúng tôi đã chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, thi công tăng ca, bảo đảm hoàn thành vào tháng 9/2025 theo đúng chỉ đạo”, đại diện Ban QLDA 7 thông tin.
Tiếp tục chạy đua với thời gian
Có đến hơn 91km phải xử lý nền đất yếu trên tổng chiều dài hơn 110km, tại dự án cao tốc đoạn Cần Thơ – Cà Mau, các nhà thầu cũng đang tích cực tìm giải pháp bù đắp nguồn vật liệu còn thiếu để đẩy tiến độ thi công.
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án trong năm 2025 là phải hoàn thành công tác gia tải trong năm 2024. Khối lượng cần đắp nền còn lại từ nay đến cuối năm rất lớn, khoảng 4 triệu m3.
Chạy đua với thời gian, Ban QLDA Mỹ Thuận đã yêu cầu các đơn vị khai thác tối đa công suất theo đánh giá tác động môi trường của các mỏ cát đã được các địa phương cấp cho dự án. Dự kiến, hết năm nay, khoảng 1,61 triệu m3 sẽ được khai thác thi công các đoạn đang đắp gia tải.
“Với khối lượng còn thiếu, nhà thầu huy động tối đa nguồn cát biển thi công, đảm bảo đến cuối năm đưa về được 0,4 triệu m3”, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận thông tin, đồng thời cho biết, riêng 8km còn lại không kịp hoàn thành gia tải trong năm 2024, đơn vị sẽ đề nghị các nhà thầu áp dụng giải pháp hút chân không, hoàn thành toàn bộ dự án như kế hoạch.
Tiếp tục tăng tốc
Chia sẻ thêm về kế hoạch thi công dự án cao tốc đoạn Chí Thạnh – Vân Phong thời gian tới, theo ông Hồ Xuân Thắng, Giám đốc điều hành dự án, hạng mục trọng tâm được xác định là phải hoàn thành công tác gia tải giai đoạn 2 của 7km xử lý nền đất yếu còn lại trước 30/12/2024.
Dự kiến đến cuối năm, dự án Chí Thạnh – Vân Phong sẽ hoàn thành toàn bộ phần cầu, hầm chui dân sinh, cống; hoàn thành toàn bộ công tác gia tải nền đất yếu… Chủ đầu tư cũng đã họp bàn, thống nhất với nhà thầu tổng lực thi công sau khi mùa mưa kết thúc.
Đối với các đoạn xử lý nền đất yếu, hằng tuần, các đơn vị liên quan sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá độ lún, độ cố kết để đoạn nào đạt thì cho dỡ tải và triển khai ngay công tác thi công kết cấu áo đường.
Ông Nguyễn Khắc Trung, Giám đốc điều hành dự án cao tốc đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng cho biết, dự kiến đến 31/12/2024, dự án sẽ rải ít nhất một lớp bê tông nhựa toàn bộ tuyến (trừ một số đoạn đang chờ xử lý nền đất yếu), sản lượng đạt khoảng 80% giá trị hợp đồng.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Thị trường bước vào mùa bán laptop cho sinh viên
- Vì sao có tin đồn (S)TRONG Trọng Hiếu và Liên Bỉnh Phát yêu nhau?
- Tủ bếp tân cổ điển Long Thành – Tinh tế trong từng đường nét
- Đình chỉ giáo viên có hành vi thân mật với nam sinh trong lớp học
- Nữ chính phim Việt giờ vàng diễn cảnh khóc quá dở, netizen ngán ngẩm “chả biết đang khóc hay đang cười”