Ngoài các tuyến cao tốc, vành đai, tỉnh Đồng Nai cũng đang lên kế hoạch đầu tư các tuyến đường nội tỉnh kết nối với sân bay và các khu công nghiệp, tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người dân.
Nhiều tuyến hướng về sân bay đã quá tải
Theo kế hoạch, chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ cất cánh từ sân bay Long Thành vào ngày 2/9/2026. Do đó, việc triển khai các dự án kết nối như: cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức – Long Thành cùng nhiều tuyến đường nội tỉnh khác đang được triển khai rốt ráo.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày cuối tháng 11, không khí thi công đang diễn ra khẩn trương, các công trường đèn sáng xuyên đêm.
Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để đáp ứng sự kết nối với sân bay Long Thành khi đưa vào khai thác, Trung ương và Đồng Nai đang triển khai, nghiên cứu xây dựng thêm hàng loạt tuyến đường bộ, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Hiện tuyến đường bộ kết nối đến sân bay Long Thành chủ yếu gồm cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và quốc lộ 51. Tuy nhiên, lưu lượng xe lớn đã khiến cả hai tuyến này trở nên quá tải. Vì vậy, việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và nâng cấp quốc lộ 51 là rất cấp thiết.
Ông Phi cho biết, Đồng Nai đã lên kế hoạch xây dựng hai nút giao khác mức tại ngã tư Vũng Tàu và cổng 11 trên quốc lộ 51 để hạn chế kẹt xe. Các phương án đang được thiết kế, kể cả phương án vốn đầu tư bằng ngân sách hay BOT cũng đang được tính toán để triển khai sớm.
Tăng tốc các dự án trọng điểm
Trong khi đó, cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng có tiến triển tích cực. Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam cho biết, 7km đoạn phía Đông qua Đồng Nai sẽ đưa vào khai thác tạm trong tháng 11 năm nay.
Lúc đó, phương tiện từ TP.HCM đi Vũng Tàu, đến nút giao 319 có thể đi qua khu đô thị Nhơn Trạch, theo các đường nội thị để đến cao tốc Bến Lức – Long Thành, ra quốc lộ 51, đi Vũng Tàu. Điều này góp phần chia tải cho quốc lộ 51 đoạn qua trước sân bay Long Thành.
Cầu Nhơn Trạch (một dự án thành phần của dự án Vành đai 3 TP.HCM giai đoạn 1) cũng đã hợp long hai nhịp biên. Theo kế hoạch, ngày 30/4/2025 cầu sẽ đưa vào khai thác. Lúc đó, phương tiện từ TP.HCM theo cao tốc TP.HCM – Long Thành về sân bay có thể rẽ phải qua cầu Nhơn Trạch để đi sân bay.
Tuyến Vành đai 3 TP.HCM qua Đồng Nai sau thời gian ì ạch đến nay cũng đã hoàn tất bàn giao mặt bằng, nhà thầu đang tập trung thi công xuyên ngày đêm.
Trong số các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được xem là chiến lược và cấp bách nhất. Toàn tuyến có chiều dài 77,6km, đến nay đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt trên 50% sản lượng, dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025. Đoạn qua Đồng Nai có phần chậm hơn vì vướng mặt bằng, nhưng các nhà thầu cũng đang rất quyết tâm trên công trường.
Mở rộng các tuyến đường tỉnh
Nhìn tổng thể, các dự án giao thông trọng điểm đang xây dựng phần lớn là cao tốc, vành đai mang tính liên vùng. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch thực hiện các dự án để kết nối các địa phương trong tỉnh với sân bay Long Thành để người dân đi đến sân bay thuận tiện, đồng thời kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các huyện với sân bay.
Các tuyến đường nội tỉnh như 25B, 769, 773, 770B đang được nâng cấp, mở rộng để đồng bộ với thời gian sân bay Long Thành đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư tỉnh Đồng Nai cũng vừa phê duyệt chủ trương dự án đường tỉnh 769E giai đoạn 1, tổng chiều dài hơn 8km với quy mô mặt cắt ngang 115m cho đoạn từ ranh giới sân bay Long Thành đến depot đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và 95m cho đoạn từ depot đến đường tỉnh 770B.
Giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng hai đường song hành mỗi bên rộng 15m và bốn cầu bê tông cốt thép, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Đường tỉnh 769E sẽ cùng các tuyến T1, T2 kết nối khu vực phía Bắc sân bay Long Thành, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm áp lực lên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu và quốc lộ 51.
“Việc đầu tư hạ tầng giao thông xung quanh sân bay Long Thành khiến bà con rất phấn khởi. Bởi hệ thống giao thông kết nối đồng bộ sẽ giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, mở ra cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của địa phương”, ông Nguyễn Văn Nam, một người dân huyện Long Thành chia sẻ.
Chị Lê Thị Phượng, cư dân huyện Nhơn Trạch cho hay, trước đây, dù rất gần TP.HCM nhưng việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Sắp tới, với những cây cầu và tuyến đường mới, khoảng cách sẽ được rút ngắn.
Trong khi đó, ông Đào Ánh Phi, giám đốc doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Đồng Nai nhận định, hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ giúp các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa nhanh chóng hơn, giảm thời gian, chi phí.
“Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, cả khu vực này sẽ là một trung tâm logistics kết nối giữa đường bộ, hàng không, đường biển và tương lai cả đường sắt”, ông Ánh nói.
Đường sắt tốc độ cao đi xuyên sân bay Long Thành
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai hướng tuyến cơ bản đi chung hành lang về phía Đông theo trục cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây. Khi đi đến địa bàn huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai sẽ rẽ trái vào đường trục trung tâm sân bay Long Thành để đến nhà ga.
Ga hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao qua địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ được đặt tại khu vực trung tâm của sân bay Long Thành. Vị trí sẽ nằm ở trước nhà ga sân bay, gần với đài kiểm soát không lưu. Ga này sẽ được kết nối với nhà ga hành khách và các hạng mục khác bằng đường bộ nội khu.
Việc thiết kế tuyến với phương án đi ngầm nhằm phối hợp với các tuyến taxiway (là đường đi của tàu bay tại sân bay kết nối đường băng với sân đỗ, nhà chứa máy bay, nhà ga) đảm bảo tĩnh không cho các đường băng ngang này.
Bên cạnh tuyến kết nối vào đường trục chính sân bay Long Thành về ga Thủ Thiêm, sẽ bố trí thêm nhánh rẽ phải đi dọc theo đường Vành đai 4 lên phía Bắc để kết nối với ga hàng hóa Trảng Bom phục vụ trung chuyển hàng hóa. Ngoài ra, sau năm 2030, Đồng Nai cũng đã được quy hoạch hai tuyến đường sắt đô thị nối các huyện của tỉnh này về sân bay Long Thành.
———————
Nguồn baogiaothong.vn:Source
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Giá Xe Toyota Hilux 2024: Sự Lựa Chọn Hàng Đầu Cho Người Yêu Thích Xe Bán Tải
- 19 cách làm salad bắp cải chay mặn ngọt thanh đẹp da ngon hơn nhà hàng
- Sườn xào chua ngọt siêu ngon, cực dễ làm chỉ với 4 bước
- Phát ngôn “lố đến nực cười” của “bà trùm Hoa hậu”: Quế Anh có thể làm tốt vai trò của một idol Kpop!
- Top 3 Kem Dưỡng Ẩm Cho Da Dầu Mụn Hot Nhất 2022