Cá nhân hoá học tập sẽ không có chuyện “học tài, thi phận”

Useful
24/11/24
Lượt xem : 31 view
11 1732072948509365186911 0 0 629 1200 crop 17320735134852066662086
Rate this post

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, big data, blockchain,…là những cụm từ được đánh giá sẽ thay đổi toàn bộ thói quen hằng ngày. Với những cái mới, có người hào hứng, nhưng cũng không ít người lo lắng, sợ hãi. Còn theo ông Đỗ Ngọc Minh – Đồng sáng lập chương trình Khan Academy Vietnam cho rằng chúng ta cần dừng lại guồng quay cũ, để cho những điều mới len lỏi vào cuộc sống, chỉ có như vậy mới không bị choáng ngợp bởi sự phát triển của công nghệ.

Cần một quá trình bình thường cái mới

Người Đưa Tin (NĐT): Là một trong những nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực Công nghệ thông tin vào những năm 2000. Lúc bấy giờ, khái niệm về máy tính và internet ở Việt Nam chắc chắn vẫn còn rất mới mẻ và mơ hồ, phải không thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Minh: Cuối thế kỷ 20, internet ở nước ta gần như lạ lẫm với nhiều người, chỉ có nhóm tri thức, sinh viên mới được tiếp cận, dù lúc đó chúng ta đã hòa mạng được 3 năm. Sự có mặt của mạng internet, giống như chuyển đổi số bây giờ, đó là cùng mang đến những bước nhảy vọt vĩ đại.

Tôi nhớ lại thời đó, mọi người đều chung tâm lý “sợ hãi”, lo lắng, vì chỉ sử dụng máy tính thôi đã khó. Để truy cập vào internet còn là thứ khó hơn, bởi muốn có mạng, thì phải có đường truyền chung với điện thoại bàn. Khi kết nối internet, đồng nghĩa với việc không thể sử dụng điện thoại để gọi và ngược lại, muốn sử dụng điện thoại sẽ phải ngắt kết nối internet. Nó không đơn giản chỉ là một cái click chuột, hay thậm chí giờ chỉ là một cái chạm tay.

May mắn lúc này, tôi còn là cán bộ trẻ của Đại học Quốc gia Hà Nội, nằm trong nhóm đào tạo công nghệ thông tin theo chương trình hợp tác với Nhật Bản. Đây là cơ hội để mình tiếp xúc, học hỏi và hiểu rõ về công nghệ.

Cá nhân hoá học tập sẽ không có chuyện “học tài, thi phận”- Ảnh 1.

Ông Đỗ Ngọc Minh – Đồng sáng lập chương trình Khan Academy Vietnam.

Từ chuyên môn được học, tôi tham gia giảng dạy học Tin học trên truyền hình để giúp cho mọi người biết được thế nào là công nghệ thông tin cơ bản, khai thác sử dụng mạng internet, rồi đến tin học văn phòng giữa các cấp độ,…

Đấy là buổi sơ khai, mà tôi nghĩ chính là giai đoạn mở đường cho phát triển công nghệ. Bây giờ nhìn lại, chúng ta cảm thấy những thứ đó là đơn giản, bình thường, nhưng máy tính có mạng internet thực sự là cả “thế giới” đối với chúng tôi.

NĐT: Sau 24 năm, ở thời điểm hiện tại, khi nói về chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số giáo dục nói riêng chúng ta còn cảm thấy mơ hồ, “sợ hãi” hay không?

Ông Đỗ Ngọc Minh: Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Sợ hãi đó là phản ứng chung của xã hội khi chưa hiểu rõ về một thứ mới xuất hiện. Còn đối với những ai nhìn nhận, nắm bắt được cái mới thì lại thấy thích thú, khao khát muốn được trải nghiệm, chinh phục chúng.

  • ĐBQH đề nghị cần có cơ chế quản lý việc dạy thêm, học thêm

  • Xóa bỏ ranh giới học tập từ mô hình giáo dục đại học số

Nếu như là internet của hơn 20 năm trước, xã hội lo lắng về thông tin độc hại, các vấn đề an ninh. Thì đối với người làm công nghệ lúc đấy, lại thấy, đây là cơ hội kết nối với toàn cầu.

Còn trong giai đoạn cách mạng số như hiện nay, đó là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức trong môi trường thực và số mà dựa vào các công nghệ số trụ cột như big data, AI, blockchain,…Đây thực sự đều là những yếu tố mới, lạ lẫm, có tác động khủng khiếp nên cảm xúc choáng ngợp là dễ hiểu.

Nếu trước kia, chúng ta ở giai đoạn tin học hóa các nghiệp vụ quản lý hành chính Nhà nước. Thì so với chuyển đổi số bây giờ rất khác, bây giờ nộp giấy tờ thậm chí không phải đến cơ quan trực tiếp. Mọi dữ liệu cá nhân được lưu trữ theo cấp quốc gia, chỉ cần một dãy số ID là không cần phải khai báo gì cả.

Nhưng tôi tin, chỉ trong thời gian ngắn khi chúng ta làm chủ được, mọi thứ sẽ trở lại bình thường, thậm chí là đơn giản như truy cập internet.

Có niềm tin này bởi, trên thực tế, “quá trình bình thường” đó không phải là điều xa vời. Như chỉ nói riêng bức tranh chuyển đổi số giáo dục của Việt Nam, hiện nay cũng đang nằm trong làn sóng số hóa của cả dân tộc.

Chuyển đổi số sẽ giúp thay đổi toàn bộ các khái niệm căn bản như phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất để tạo ra động lực mới. Trong bối cảnh kỷ nguyên vươn mình, tất cả các ngành đều phải chuyển đổi số, và giáo dục cũng nằm trong bức tranh chung đấy.

Cá nhân hoá học tập sẽ không có chuyện “học tài, thi phận”- Ảnh 2.

Nhiều ứng dụng hỗ trợ học tập các nhân hoá.

Công nghệ tạo ra nhiệm vụ mới không phải thay thế người thầy

NĐT: Việc tham gia của công nghệ số trụ cột đã biến đổi cách dạy và học ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Minh: Tôi nghĩ việc cá nhân hóa học tập, đáp ứng năng lực, tư duy của mỗi em là điều khác biệt, nổi bật nhất khi có sự tham gia của công nghệ vào trong giảng dạy. Và đây, cũng là cái đích cuối cùng của giáo dục.

Ở đây, chúng ta cần nhận thức rằng trong lớp trình độ học tập của các con chắc chắn là không đồng đều, ngay cả khi trong cùng một bài kiểm tra các em có số điểm như nhau.

Khi chưa có sự tham gia của công nghệ, học tập theo hướng chung về mọi mặt, chung bài giảng trong cùng một thời gian, rồi giải giống nhau một bài Toán ở một mức độ nào đó.

Nhưng bây giờ, từ quá trình học, phần mềm có thể khi ghi nhận thông tin học sinh đang kém ở nội dung gì, sau đó sẽ tự động ra đề bài theo đúng trình độ của các em. Điều này nếu đổi lại là thầy cô thì rất khó thực hiện, dù trong suy nghĩ họ rất muốn làm. Việc học được số hoá, sẽ giúp giáo viên nhìn được tất cả các thông số, lưu vết lại, để biết được năng lực của học sinh.

Như đối với, nội dung đào tạo của chúng tôi, mỗi học phần kiến thức lại được chia ra 5 cấp độ.

Ở mức thứ nhất là chưa có kiến thức, cấp độ thứ 2 là làm bài tập nhưng vẫn có câu đúng, câu sai. Cấp độ thứ 3 là đã hiểu bài, cấp độ thứ 4 là học thành thạo, cấp độ cuối cùng là cấp tinh thông.

Cấp độ thứ 5, nghĩa là nội dung kiến thức đấy được thi ở bất kỳ bài thi nào học sinh đều giải được.

Nếu chiếu theo những mức như vậy, chắc chắn học sinh không có học lệch, học tủ, thậm chí là “học tài, thi phận”. Bởi nếu, các em học giỏi nhưng đi thi bài kiểm tra lại thấp hơn khả năng thì học sinh đó mới chỉ ở cấp độ 4, vẫn có một nội dung kiến thức nào đó mà các em chưa làm được.

Cá nhân hoá học tập sẽ không có chuyện “học tài, thi phận”- Ảnh 3.

Ông Đỗ Ngọc Minh cho rằng cần thời gian để học tập cái mới

NĐT: Vậy theo ông chúng ta cần bắt đầu làm quen với cái mới, bắt nhịp với công nghệ như thế nào?

Ông Đỗ Ngọc Minh: Cần phải cho bản thân mình cơ hội để tiếp xúc và có thêm thông tin. Tôi nghĩ cần một hành trình để g cho xã hội chủ động tiếp thu cái mới, để chuyển đổi số sẽ thâm nhập một cách tự nhiên và đi dần vào cuộc sống.

Về cơ bản, quá trình sẽ có 2 giai đoạn, thứ nhất là tìm hiểu về khái niệm, áp dụng thử và từ đó thấy rằng, nó thật sự giúp chúng ta làm tốt hơn những việc hàng ngày. Từ đó, sẽ sang giai đoạn tiếp theo là công nghệ giúp tạo ra những thứ mới, những nhiệm vụ mới.

Việc tham gia của các ứng dụng sẽ giảm bớt công việc cho thầy cô, người giáo viên phải nhận thức mình có vai trò, nhiệm vụ khác, thay vì có suy nghĩ cực đoan là bị thay thế. Không một trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được người thầy. Cần có tư duy như vậy chúng ta mới có thể bắt đầu sống và làm việc với công nghệ.

NĐT: Đối với câu chuyện của Khan Academy, tôi nghĩ trên thị trường hiện nay không thiếu các phần mềm học tập thông tập thông minh, sự cạnh tranh là không hề nhỏ, tổ chức đã làm gì để tạo sự khác biệt?

Ông Đỗ Ngọc Minh: Những việc chúng tôi đang làm với mong muốn mang những điều tốt đẹp đến cho ngành giáo dục và xã hội, cho nên bất kỳ ai có chung mục tiêu như vậy, Khan đều coi là đồng minh.

Bản thân trong quá trình hoạt động, tổ chức chúng tôi cũng tạo ra liên minh KAVA, gồm rất nhiều thành viên là các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị giáo dục có khả năng đóng góp.

Cá nhân hoá học tập sẽ không có chuyện “học tài, thi phận”- Ảnh 4.

Học sinh hào hứng với cách học tập mới.

Mục đích của liên minh rất đơn giản, là mang công cụ tốt nhất đến cho ngành giáo dục. Tổ chức không coi bất kỳ ai là đối thủ, mà họ là đối tác, thậm chí chúng tôi muốn giúp họ làm tốt hơn việc của họ. Khi cùng mong muốn mang lại điều tốt, thì nên ngồi lại với nhau để tạo ra những điều tốt đẹp hơn.

Mỗi một đơn vị sẽ có những thế mạnh riêng của mình. Còn đối với Khan, chúng tôi có trách nhiệm chia sẻ thông tin và tạo điều kiện cho người học, người dạy trải nghiệm. Ngược lại, về phía người dùng, tôi tin họ cũng sẽ có đánh giá sáng suốt nhất để lựa chọn ai đồng hành trong hành trình chuyển đổi số giáo dục.

NĐT: Trong hành trình thực hiện sứ mệnh, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cho giáo dục hiện nay gặp phải rào cản gì cần phải vượt qua?

Ông Đỗ Ngọc Minh: Như tôi đã chia sẻ ngay từ đầu, bất kỳ cái mới nào đề gặp phải sự phản kháng một cách tự nhiên. Phản kháng đó, không chỉ là tâm lý của người lãnh đạo, mà còn đến tận người dùng. Bản thân chúng ta cũng vậy, suy nghĩ ngại cái mới là điều dễ hiểu.

Chưa kể đến, xã hội chúng ta vẫn có thói quen theo guồng quay cũ, khiến không có dành thời gian để cho cái mới len lỏi vào, để thử và tin tưởng cái mới.

Sự quá tải công việc, bận rộn của giáo viên, khiến nhiều thầy cô nghĩ rằng nếu có thêm công nghệ mới sẽ tạo thêm nhiệm vụ, chứ không giảm tải. Điều này là đúng, nhưng chỉ ở trong giai đoạn đầu tiên, chúng ta phải vượt qua được giai đoạn ma sát này, phải cân bằng làm sao chuyển giao dần từ những việc thủ công sang cho máy móc thực hiện.

Tôi nghĩ quá trình chuyển đổi số giáo dục cần thời gian, chúng ta cần phải kiên nhẫn và thông cảm. Cùng với đó, là sự thấu hiểu của cơ quan quản lý và người lãnh đạo.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!

————————-

Nguồn nguoiduatin.vn:Source