Các CEO thường trang trí phòng làm việc theo sở thích cá nhân hoặc liên quan đến công ty đang lãnh đạo.
Phòng làm việc của Tim Cook, CEO Apple. Ảnh: Vanity Fair.
Với lương cao và tài sản hàng tỷ USD, các CEO có quyền trang trí không gian làm việc bằng những món đồ cao cấp. Dù vậy, vẫn có một số tỷ phú chọn cách bố trí đơn giản.
Mark Zuckerberg, CEO Meta từng nhấn mạnh sở thích làm việc cùng nhân viên thay vì ngồi phòng riêng. Trong khi đó, văn phòng của CEO Salesforce Marc Benioff có nhiều mô hình khoa học viễn tưởng.
Lịch trình mỗi ngày của các CEO thường tập trung công việc, họp hành và lọc email. Dù vậy, họ vẫn dành thời gian bày trí không gian làm việc tại công ty đang điều hành.
Tim Cook
Khi trả lời phỏng vấn tạp chí Vanity Fair thời điểm kính Vision Pro lên kệ, CEO Apple Tim Cook dẫn phóng viên vào phòng làm việc của ông tại trụ sở công ty.
Tim Cook ngồi tại bàn làm việc được dùng làm ảnh bìa bài phỏng vấn đặc biệt của Vanity Fair. Ảnh: Vanity Fair. |
Dựa trên bức ảnh đăng kèm bài viết ngày 1/2, phòng làm việc của Cook được trang trí đơn giản, cùng những thiết bị quen thuộc của một CEO công nghệ.
Bàn làm việc của Cook gồm iPad, iPhone, tai nghe AirPods và loa HomePod. Bàn đứng phía sau ông đặt một chiêc MacBook, kết nối màn hình Studio Display.
Một số vật dụng từ quê nhà của Cook (bang Alabama) cũng xuất hiện trong văn phòng như nón bóng bầu dục từ trường cũ (Đại học Auburn), một quả bóng rổ có chữ ký và những bức tranh dựa vào tường.
Đồ trang trí duy nhất treo trong văn phòng của Cook là ảnh đóng khung cố chính trị gia Robert F. Kennedy. Bức ảnh có logo Apple, phong cách tương tự chiến dịch quảng cáo nổi tiếng “Think Different”.
Mark Zuckerberg
Khác với đa số lãnh đạo còn lại, CEO Mark Zuckerberg của Meta có không gian làm việc đơn giản hơn. Trong video chia sẻ năm 2015, Zuckerberg cho thấy nơi làm việc trong văn phòng mới của Facebook tại Menlo Park.
Không gian có thiết kế mở, sức chứa 2.800 nhân viên và Zuckerberg cũng làm việc tại đây. Trong video, ông nhấn mạnh kể cả nhân vật “điều hành công ty” cũng không có văn phòng riêng, mà làm việc cùng những người khác.
Mark Zuckerberg giới thiệu bàn làm việc trong video đăng năm 2015. Ảnh: Mark Zuckerberg/Facebook. |
Theo Business Insider, bàn làm việc của Zuckerberg nằm trong dãy 4 bàn với những chồng sách, miếng lót bàn với chữ “Zuck” theo phong cách graffiti, cùng logo Facebook bằng gỗ dựng đứng.
“Ý tưởng chính là với không gian mở và làm việc gần nhau, mọi người có thể chia sẻ và giao tiếp những gì họ đang làm, từ đó tạo điều kiện cộng tác tốt hơn.
Chúng tôi cho rằng đây là chìa khóa xây dựng các dịch vụ tốt nhất cho cộng đồng”, Zuckerberg nhấn mạnh trong video.
Bernard Arnault
Với tài sản ròng hơn 200 tỷ USD, CEO LVMH Bernard Arnault là “ông chủ” những thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Dom Pérignon và Dior.
Sở hữu nhiều thương hiệu xa xỉ, văn phòng của Arnault tại trụ sở LVMH ở Paris (Pháp) cho thấy địa vị của ông.
Bernard Arnault tại phòng họp của LVMH. Ảnh: Bloomberg. |
Trong bài phỏng vấn đăng trên Bloomberg ngày 25/6, các tác giả viết rằng tường văn phòng của Arnault treo 3 bức tranh của cố họa sĩ Andy Warhol. Lúc đó, một tác phẩm đóng khung của Picasso dựa vào tường, chưa được treo.
Phòng họp công ty nằm kế văn phòng của Arnault với tông màu trung tính, tường ốp gỗ nâu và ảnh tháp Eiffel trắng đen.
Marc Benioff
Với CEO Salesforce Marc Benioff, cách trang trí văn phòng cho thấy ông rất thích khoa học viễn tưởng.
Trong bài phỏng vấn đăng trên Forbes năm 2015, phóng viên kể rằng đã được Benioff giới thiệu bộ sưu tập tượng nhỏ, đại diện các văn hóa đại chúng khác nhau.
Những mô hình đáng chú ý gồm robot R2-D2, Công chúa Leia và nhân vật Darth Maul từ loạt phim Star Wars. Ông cũng có những món đồ chơi như ngựa robot, Mr. Potato Head và nhân vật Sulley nhồi bông từ phim Monsters Inc.
Tình cảm với Hawaii được thể hiện rõ khi vợ chồng Benioff dành nhiều năm mua và tặng hàng trăm mẫu đất tại Hawaii để phát triển dự án nhà giá rẻ. Văn phòng của ông trưng bày ván lướt sóng làm kỷ niệm về tiểu bang này.
Những vật trang trí trong văn phòng của CEO Salesforce Marc Benioff. Ảnh: Forbes. |
Màn hình làm việc của Benioff dán nhãn “no software” (không dùng phần mềm) để gợi nhớ thời gian làm việc tại Oracle, công ty được mệnh danh tiên phong trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Phòng của ông cũng có bát cầu nguyện của người Tây Tạng để thiền, bên cạnh một số ảnh kỷ niệm và giấy chứng nhận khác nhau.
Năm 2018, trụ sở mới của Salesforce khai trương tại San Francisco. Chưa rõ Benioff có mang theo những món đồ ưa thích đến văn phòng mới hay không.
- Còn bao nhiêu ngày nữa đến tết 2025
- Dự án nâng cấp tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi hiện thi công ra sao?
- Sốc visual mỹ nhân cổ trang Việt một thời, đẹp đến mức 34 năm vẫn chưa có ai sánh bằng
- Bộ Bàn Ghế Làm Nails Giá Bao Nhiêu? Nơi bán bàn ghế làm Nails giá rẻ?
- 21 tác dụng của bưởi tốt cho sức khỏe bà bầu, trẻ nhỏ, phòng bệnh
- Những Câu Nói Hay Về Nước Hoa