OCD: Giải thích các triệu chứng của bệnh dựa trên cơ chế hoạt động não bộ

30/11/2023

Một bản đánh giá toàn diện về các nghiên cứu khoa học thần kinh hiện có đã làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến vòng mạch và cơ chế hoạt động của não bộ gây ra hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Các nhà khoa học hy vọng rằng khám phá này sẽ giúp những phương pháp điều trị hiện nay trở nên hiệu quả hơn, đồng thời tìm ra “một phương hướng điều trị mới”. Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một chứng bệnh tâm thần ảnh hưởng đến hơn 2 triệu người trưởng thành ở Mỹ.

Người bệnh thường có những suy nghĩ lặp đi lặp lại, ước thúc bản thân dẫn đến tình trạng lo âu quá mức – hay còn được gọi là sự ám ảnh – hoặc có các hành vi cưỡng ép mà họ không sao kiểm soát nổi.

Dù có kiểm tra nhiều lần xem cửa nẻo đã khóa hay chưa, hoặc bật tắt đèn liên tục, thì triệu chứng của bệnh vẫn không thể kiểm soát được, đồng thời tác động tiêu cực đến cuộc sống thường ngày của người bệnh.

Người bị ảnh hưởng của bệnh OCD có những ý nghĩ và hành vi lặp lại một cách vô nghĩa mà không kiểm soát được chẳng hạn rửa tay hàng chục lần mặc dù tay đã sạch

Người bị ảnh hưởng của bệnh OCD có những ý nghĩ và hành vi lặp lại một cách vô nghĩa mà không kiểm soát được chẳng hạn rửa tay hàng chục lần mặc dù tay đã sạch (Nguồn: davidsonwashroom.com.au)

Phương pháp điều trị bệnh bao gồm việc sử dụng thuốc, thực hiện tâm lý trị liệu với bác sĩ tâm thần có kinh nghiệm, và kích thích não sâu. Tuy nhiên, không phải ai cũng được điều trị thành công.

Thực tế, một số nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 50% người bệnh cảm thấy khá hơn khi điều trị, và chỉ 10% là phục hồi hoàn toàn.

Việc điều trị không hiệu quả phần nào phản ánh một sự thật rằng các chuyên gia y tế vẫn chưa thật sự hiểu một cách đầy đủ về nguyên nhân thần kinh gây ra chứng bệnh. May mắn thay, một nghiên cứu mới đây đã bổ sung cho sự thiếu hụt này.

Nhóm các nhà khoa học, đứng đầu là Tiến sĩ Luke Norman, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ thuộc Khoa Tâm thần học, Đại học Michigan (U-M), tại Ann Arbor, đã phân tích và kiểm tra một khối lượng lớn các dữ liệu từ những nghiên cứu hiện có về nguyên nhân thần kinh gây ra OCD.

Bản phân tích tổng hợp cũng đã được các nhà khoa học đăng tải trên Tạp chí Biological Psychiatry (Tạp chí Tâm lý sinh học).

1. Nghiên cứu về vòng mạch não bộ liên quan đến OCD

Norman cùng các cộng sự đã phân tích các nghiên cứu thực hiện quét não của hàng trăm bệnh nhân mắc phải OCD, cũng như xem xét hình chụp não bộ của những người lành bệnh.

Tác giả đứng đầu cuộc nghiên cứu giải thích: “Bằng việc so sánh dữ liệu từ 10 cuộc nghiên cứu, với gần 500 bệnh nhân và tình nguyện viên khỏe mạnh, chúng tôi đã hiểu ra mức độ tác động thật sự của các vòng mạch được cho là đóng vai trò nhất định trong việc gây ra hội chứng OCD.”

Đặc biệt, các nhà khoa học tập trung vào một vòng mạch não bộ có tên “mạng cingulo-opercular” Đây là hệ thống mạng bao gồm nhiều khu vực được liên kết bởi các bó thần kinh tại vùng trung tâm não bộ.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng mạng cingulo-opercular thường gắn với “tình trạng cảnh báo”, hoặc “sự cảnh giác cao độ”. Nói cách khác, các vùng nằm trong vòng mạch não bộ này “luôn cảnh giác” với những sai sót tiềm ẩn, và ra lệnh thực hiện một số hành vi để tránh những hậu quả không mong muốn từ sai sót ấy.

Phần lớn các cuộc nghiên cứu sử dụng MRI chức năng, bao gồm cả công trình được thực hiện bởi Norman cùng các cộng sự trong bản đánh giá, đã để tình nguyện viên phản ứng lại các sai sót trong khi họ vẫn nằm yên bên trong máy quét não.

Bản phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra một chi tiết nổi bật: So sánh với đối tượng lành bệnh, ở người mắc bệnh, các hoạt động diễn ra nhiều hơn trong những khu vực não bộ liên quan đến nhận diện sai sót, nhưng lại ít đi trong khu vực ra lệnh dừng lại các hành vi.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự liên hệ giữa vòng mạch não bộ và OCD

Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự liên hệ giữa vòng mạch não bộ và OCD (Nguồn: medicalnewstoday.com)

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Kate Fitzgerald, Khoa Tâm thần học, Đại học Michigan, giải thích rằng “Chúng ta đều biết bệnh nhân vẫn hiểu rõ những gì mình làm, và cũng có thể phát hiện ra những hành vi ấy thật sự không hề cần thiết.”

“Nhưng kết quả nghiên cứu lại cho thấy tín hiệu cảnh báo sai sót có lẽ không thể di chuyển đến được hệ thống mạng trong não bộ phụ trách việc ra lệnh dừng lại các hành vi đó.”

Những nhà khoa học tiếp tục sử dụng phương pháp so sánh.

“Điều này giống như thể chân đạp phanh của bạn yêu cầu phải phanh xe lại, nhưng hệ thống phanh lại không kết nối với bánh xe để có thể dừng chiếc xe của bạn.” Tiến sỹ Kate Fitzgerald bổ sung.

“Bản phân tích đã thiết lập ra một giai đoạn để định hình các mục tiêu trong điều trị OCD, bởi việc xử lý sai sót, và kiểm soát ức chế đều là hai quá trình quan trọng có thể thay đổi ở những người mắc bệnh.”

2. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp nâng cao sự hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện có

Các nhà khoa học cũng giải thích cách thức để nâng cao hiệu quả trong điều trị OCD từ kết quả của công trình nghiên cứu, ví dụ như liệu pháp nhận thức hành vi- một trong những loại liệu pháp hành vi có hiệu quả cao trong điều trị bệnh tâm lý.

“Trong các buổi [CBT] điều trị OCD, chúng tôi giúp bệnh nhân xác định, ứng phó và chống lại sự cưỡng ép bản thân nhằm nâng cao khả năng kết nối giữa “chân phanh” và “bánh xe”, cho đến khi bánh xe thực sự dừng lại. Nhưng phương pháp này chỉ hiệu quả ở một nửa số lượng bệnh nhân.”

Tiến sĩ Fitzgerald nói thêm: “Từ công trình nghiên cứu này, chúng tôi mong CBT sẽ trở nên hiệu quả hơn, đồng thời có thể đề ra một phương hướng điều trị mới.” Nhóm nghiên cứu hiện vẫn đang tìm kiếm các tình nguyện viên để tham gia vào một cuộc thử nghiệm CBT lâm sàng trong điều trị OCD.”

Ngoài CBT, Tiến sĩ Fitzgerald cũng hy vọng rằng nghiên cứu sẽ nâng cao hiệu quả của liệu pháp “kích thích từ xuyên sọ lặp lại” (rTMS).

“Nếu hiểu được các vùng của não bộ giao tiếp với nhau như thế nào để có thể bắt đầu và kết thúc các triệu chứng OCD, chúng ta sẽ xác định được khu vực để áp dụng rTMS.” Tiến sĩ còn cho biết: “Đây không phải là những vấn đề về hành vi quá mức sâu xa.”

“OCD là một chứng bệnh, không phải là lỗi do người nào đó gây ra. Bằng việc sử dụng hình ảnh chụp não, chúng ta có thể thực hiện theo phương pháp giống như các chuyên gia tim mạch đã sử dụng khi nghiên cứu về EKGs trên bệnh nhân – từ đó sử dụng những thông tin có được để nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cũng như cải thiện cuộc sống của những ai mắc phải OCD.”

Bài viết được dịch theo OCD: Brain mechanism explains symptoms xuất bản ngày 06 tháng 12 năm 2021 trên medicalnewstoday.com.

[wp-faq-schema accordion=1]

#Xem thêm một số bài viết về :OCD: Giải thích các triệu chứng của bệnh dựa trên cơ chế hoạt động não bộ